Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên.
Thưa ông, việc kỷ luật học sinh vi phạm tại trường THCS Ngô Quyền (TP. Hồ Chí Minh) gây nhiều ý kiến trái chiều, Bộ GDĐT đã có chỉ đạo cụ thể như thế nào?
- Khi nhận được thông tin vụ việc ở TP.Hồ Chí Minh, đối với hành vi của học sinh này, chúng tôi cho rằng cần phải lên án, phê phán và có hình thức kỷ luật phù hợp.
Tuy nhiên, mục tiêu của việc kỷ luật đầu tiên phải đúng quy định của pháp luật, phải đảm bảo tôn trọng, không ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, đạt được mục tiêu giáo dục.
Với cách xử lý của nhà trường như vừa qua, dư luận cũng phản ứng rất nhiều. Chúng tôi đã chỉ đạo Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo Phòng GDĐT quận Tân Bình chỉ đạo nhà trường báo cáo toàn bộ vụ việc để xem quá trình kỷ luật, thu thập chứng cứ, kiểm điểm học sinh đã đúng chưa. Trên cơ sở như vậy mới tham mưu tư vấn thầy hiệu trưởng hình thức kỷ luật như thế nào.
Việc kỷ luật tránh làm vội vàng, theo chủ quan, cảm tính của một mắt xích nào đó trong hệ thống các thầy cô, ban giám hiệu trong nhà trường mà bỏ qua các quy định, dẫn tới từ cái sai của học sinh lại thêm cái sai của thầy cô.
Đối với vụ việc trên, Bộ GDĐT có yêu cầu rõ thời hạn báo cáo cụ thể không?
- Việc kiểm tra rất mất thời gian, hiện chúng tôi đang để mở cho phía Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh xử lý.
Vậy cá nhân ông đánh giá mức độ kỷ luật như vậy liệu có phù hợp? Việc bỏ qua các quy trình kỷ luật của nhà trường như vậy thuộc trách nhiệm của ai, thưa ông?
- Chúng tôi đánh giá sơ bộ thì hình thức áp dụng kỷ luật trong vụ việc này không phù hợp, ví dụ việc ghi hình lại rồi phát tán lên mạng làm ảnh hưởng nhiều tới danh dự, nhân phẩm của học sinh. Còn tất cả mọi việc phải chờ báo cáo xem mức độ vi phạm thế nào.
Mọi hoạt động diễn ra trong nhà trường đều là trách nhiệm của hiệu trưởng. Có thể một đồng chí hiệu phó làm hoặc giáo viên làm nhưng hiệu trưởng vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Khi đưa ra hình thức kỷ luật mà nhà trường không thực hiện đúng quy trình thì Phòng GDĐT có trách nhiệm yêu cầu nhà trường báo cáo và đưa ra quan điểm của mình để xử lý vi phạm này.
Thứ hai là Phòng GDĐT có trách nhiệm báo cáo lên Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh để xin ý kiến và Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh có trách nhiệm xử lý thấu đáo những người liên quan và báo cáo lên Bộ trên cơ sở xử lý trách nhiệm liên quan của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, hội đồng kỷ luật nhà trường. Trường hợp hội đồng kỷ luật nhà trường chưa họp thì trách nhiệm trực tiếp sẽ là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.
Theo ông, hình thức kỷ luật của trường THCS Ngô Quyền có vi phạm Điều 5 của Thông tư 06/2019 quy định ứng xử của quản lý cơ sở giáo dục đối với người học cần phải “tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành” hay không?
- Chúng tôi cho rằng một trong những cái hiện nay còn đang hạn chế ở các thầy cô giáo là cập nhật các nội dung chính sách về pháp luật liên quan. Trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư 06, các chủ thể liên quan đều phải thực hiện. Chỗ này thể hiện các thầy cô có thể chưa thực sự để tâm, chưa “ngấm”, dẫn tới sự việc đáng tiếc
Ông có nắm được nhà trường đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử để thực hiện trong cơ sở giáo dục theo hướng dẫn hay chưa?
- Theo kế hoạch, hết tháng 12.2019 thì Bộ mới yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo. Trong vụ việc này, chúng tôi có yêu cầu Sở chỉ đạo Phòng GDĐT và trường báo cáo.
Xin cám ơn ông!
Liên quan đến vụ việc, đến lúc này, Phòng GDĐT quận Tân Bình đã yêu cầu Ban giám hiệu trường THCS Ngô Quyền phải kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân.