Mới đây nhất, Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) khiến giới đầu tư “sốc” (shock) khi đưa ra khuyến nghị “Giá trị thực của bitcoin chỉ bằng 0”.
Bitcoin không phải tiền tệ
Chuyên gia phân tích James Faucette của Morgan Stanley cho rằng, Bitcoin không phải tiền tệ vì không được gắn với bất kỳ tỉ lệ lãi suất nào. Bitcoin cũng không bị ảnh hưởng bởi lạm phát giống các loại tiền thật như đồng USD hoặc Euro.
Bitcoin cũng không phải “vàng điện tử” vì không có giá trị sử dụng thật như trang sức. Hiện vàng đang được sử dụng để làm đồ trang sức và thiết bị điện tử, trong khi bitcoin chỉ đơn thuần tồn tại ở dạng dữ liệu. Vậy nên, bitcoin chỉ có giá trị khi các nhà đầu tư gán giá trị cho chúng, James Faucette nhận định.
Bitcoin cũng không phải là một hệ thống thanh toán vì không được chấp nhận rộng rãi và hiện khối lượng giao dịch hàng ngày còn rất hạn chế, khoảng 3 tỉ USD, tức chưa bằng 1/1.000 giá trị thị trường ngoại hối.
Ước tính, số lượng bitcoin được sử dụng để giao dịch hàng ngày là khoảng gần 300 triệu USD nếu so với con số 17 tỉ USD giao dịch qua visa. Số lượng shop online chấp nhận thanh toán bitcoin để thanh toán ngày càng ít đi và rủi ro lớn vì giá trị đồng tiền không ổn định. “Nếu không ai chấp nhận bitcoin là công cụ thanh toán thì giá trị của nó chỉ là con số 0”, - Faucette nhấn mạnh.
Chỉ là một loại tài sản đầu cơ
Vậy bitcoin thực chất là gì? Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, bitcoin không phải là tiền mà chỉ là một loại tài sản đầu cơ. Tiền phải được phát hành và kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương của các quốc gia, và có tỉ giá hối đoái giữa các loại tiền phụ thuộc vào nền kinh tế và cán cân thương mại của các quốc gia.
Trong khi bitcoin không được phát hành bởi bất kỳ quốc gia nào và giá thay đổi hoàn toàn chỉ dựa vào cung cầu của nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, có hai lý do khiến bitcoin tăng nhanh như thời gian qua vì phần lớn mọi người đang coi bitcoin là sản phẩm đầu cơ và chuyển tiền ẩn danh.
Theo ông Dominik Weil, đại diện bitcoin Việt Nam: “Bitcoin như một hình thức tài sản mới và mọi người có thể mua khi giảm giá, bán khi tăng giá. Như vậy đa số mọi người đổ xô vào thị trường để sinh lời và nói thẳng ra đó là đầu cơ”.
Ông Nguyễn Việt Bách - đại diện Bitcoin.vn - cho biết: “Dưới góc độ một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bitcoin cho thị trường thì đa số mọi người đổ sô vào bitcoin chủ yếu là đầu cơ, họ sử dụng không nhiều mà chủ yếu là mua để chờ giá lên và bán.
Nói về tính pháp lý của đồng tiền Bitcoin, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐQT BASICO - cho biết: Bitcoin có thể đạt giá trị 1 triệu USD/bitcoin nhưng cũng có thể vỡ tan chỉ sau một đêm, vì giá trị bitcoin không có cơ sở nào để dựa vào. Theo quy định luật pháp, tài sản sở hữu có 3 loại là vật, tiền và tài sản. Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào trong ba loại trên.
Về bản chất, bitcoin không phải là tiền, không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản... Ngay cả trên thế giới, quan điểm của các NHTƯ về đồng tiền này cũng khác nhau. Mỹ tỏ ra e ngại về tính bảo mật của đồng bitcoin. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành điều tra về tiền kỹ thuật số nhưng FED không quá nhiệt tình với ý tưởng phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Ông Jerome Powell, thành viên của ban Thống đốc và là ứng cử viên được lựa chọn cho chức Chủ tịch FED cho biết vẫn còn tồn tại các vấn đề kỹ thuật về công nghệ và việc quản trị, quản lý rủi ro.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp - Francois Villeroy de Galhau - hồi tháng 6 cho biết, giới chức Pháp “rất cảnh giác với bitcoin, vì không có tổ chức công nào đằng sau đảm bảo cho nó. Trong lịch sử, tất cả loại tiền do tư nhân tạo ra đều không có kết cục tốt. Những người dùng bitcoin đều đang mạo hiểm với chính mình”.