Xét kết quả hoạt động kinh doanh trong quý I/2020 của 5 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy doanh thu giảm trung bình 32,4% và lợi nhuận giảm 97,7% so với cùng kỳ 2019. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong quý I, Tổng Công ty cổ phần (CTCP) Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu 4.908,8 tỉ đồng, lợi nhuận là 717 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, không những giảm về doanh số, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng đều có sự giảm đáng kể trong kỳ.
Không những lợi nhuận suy giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính ghi nhận mức âm kỷ lục 1.097 tỉ đồng, giá trị âm lớn nhất kể từ năm 2017 tới nay tại Sabeco. Đây cũng là quý đầu tiên, Sabeco đối mặt với hiện trạng dòng tiền âm sau nhiều quý dòng tiền dương liên tục. Tính tới 31.3.2020, lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tại Sabeco giảm tới 3.237,5 tỉ đồng và chỉ còn 13.271,6 tỉ đồng. Bên cạnh yếu tố dòng tiền suy yếu, tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn có dấu hiệu tăng.
Việc tồn kho tăng lại làm cho quá trình thu hồi tiền mặt gặp khó khăn hơn và làm lượng tiền mặt của doanh nghiệp suy giảm đáng kể. Nếu như tình hình không có sự đổi mới, Sabeco sẽ có thể bị thâm hụt lượng tiền mặt tích trữ lâu nay. Cổ phiếu SAB của Sabeco đang ở mức giá xung quanh 160.000 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá đã có tăng so với gia đoạn đỏ lửa trong tháng 2 vừa qua.
Một ông lớn khác trong ngành bia cũng phải gặp tình hình kinh doanh sụt giảm đó là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với con số lỗ ròng gần 72 tỉ đồng sau quý I/2020, trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 98 tỉ đồng. Theo giải trình của Habeco, ảnh hưởng lớn từ tác động kép của quy định về sử dụng rượu bia (Nghị định 100) và đại dịch COVID-19 khiến doanh thu thuần của công ty sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước chỉ còn gần 774 tỉ đồng.
Ngoài doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính giảm mạnh, Habeco còn ghi nhận doanh thu tài chính giảm nên dù chi phí lãi vay và chi phí bán hàng giảm, Habeco vẫn chịu lỗ ròng gần 72 tỉ đồng trong quý. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất của Habeco kể từ quý 2.2010. Cuối quý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Habeco âm hơn 1.000 tỉ đồng do tăng hàng tồn kho, các khoản phải trả, phải thu và chi tiền cho hoạt động kinh doanh. Cổ phiếu BHN của Habeco hiện đang giao dịch quanh vùng giá 53.000 đồng/cổ phiếu.
Nghị định 100 có hiệu lực, lượng tiêu thụ rượu, bia giảm mạnh, nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Dịch COVID-19 xuất hiện, tạo cú sốc “vô tiền khoáng hậu” với ngành bia khi hành vi tiêu dùng bắt buộc phải thay đổi. Mặc dù nền kinh tế dần mở cửa trở lại, nhưng thách thức từ Nghị định 100 khiến mọi hoạt động kinh doanh ngành bia nói chung, ngành giải khát nói riêng vẫn dưới mức bình thường.