Bạn Nguyễn Kiều Anh (Hà Nam) muốn kinh doanh quần áo, nhưng chưa có đủ vốn để mở mặt bằng kinh doanh. Sau khi nhập được lô quần áo, An bắt đầu khởi nghiệp bằng việc kinh doanh online. Tuy nhiên, An không khỏi thắc mắc về việc nộp thuế khi bán hàng online.
Trả lời thắc mắc về vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Còn với doanh thu trên 100 triệu đồng trở lên, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế theo tỉ lệ thuế đối với từng ngành nghề trên tổng doanh thu.
Hoạt động bán hàng online là hoạt động phân phối và cung cấp hàng hoá vì vậy người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu có doanh thu từ bán hàng online > 100 triệu đồng/năm.
Tỉ lệ thuế GTGT là 1%, tỉ lệ thuế TNCN là 0,5% theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 40 xác định về số thuế phải nộp như sau:
Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỉ lệ thuế TNCN
- Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
- Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.
Như vậy, người bán hàng online có thể lựa chọn phương pháp khai thuế phù hợp với mô hình hoạt động kinh doanh.
Riêng đối với người bán hàng online có doanh thu trên 100 triệu đồng sẽ phải đóng thêm lệ phí môn bài. Nếu không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.