Sẵn sàng chuẩn bị
Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Vĩnh Thành Đạt nhận định, dự đoán từ nay đến Tết giá trứng gia cầm sẽ không biến động. Sản lượng trứng gia cầm đang rất dồi dào và doanh nghiệp vẫn đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 50% trong tháng chạp.
Riêng TPHCM vừa điều chỉnh tăng giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường, trong khi giá xăng dầu, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm là những yếu tố giữ ổn định giá trứng gia cầm trong thời gian tới.
Bên cạnh những mặt hàng thuỷ sản, gia cầm, một số mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát... cũng đang được nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đặt mục tiêu sản lượng, doanh số cao. Các công ty sản xuất, kinh doanh thịt, trứng gia cầm tại nhiều tỉnh thành cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết Quý Mão 2023.
Cụ thể, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng đã chuẩn bị ngân sách khoảng 710 tỉ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Sau nhiều biến cố, người tiêu dùng vẫn đang tiết kiệm chi tiêu và quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa. Vì vậy, để bán được hàng, từ nay đến cuối năm, Vissan sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên được giảm giá đến 25%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ luân phiên giảm giá nhưng ở mức thấp hơn.
Tiếp nối đà tăng trưởng khá trong thời gian gần đây, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central, MM Mega Market, Aeon, Lotte Mart, Winmart, Emart… cũng đang chuẩn bị nguồn hàng chủ lực tăng ít nhất 20-30% so với Tết 2022. Đặc biệt, các hoạt động kinh doanh, khuyến mãi hàng Tết tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ diễn ra trước Tết 2 tháng nên khoảng nửa cuối tháng 11.2022 và chạy chương trình Tết với nhiều đổi mới, trải nghiệm mua sắm và quyền lợi cho khách hàng.
Tăng năng suất lao động, nắm bắt thị trường
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, cùng với sự lạc quan về triển vọng kinh doanh quý IV/2022, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 9 tháng năm cũng cho thấy tín hiệu tích cực.
Quý IV/2022, các doanh nghiệp dự kiến tình hình kinh doanh còn tốt hơn so với quý III/2022 khi có tới 48,7% doanh nghiệp đánh giá tích cực, 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tăng trưởng và phục hồi nhưng theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu vẫn là điều khó lường.
Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc.
Đối với khu vực kinh tế đối ngoại, WB cũng chỉ ra sự giảm tốc trầm trọng hơn so kỳ vọng của các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam là rủi ro chính. Căng thẳng địa chính trị cũng làm tăng mức độ bất định và có thể gây ra những thay đổi trong xu hướng thương mại và đầu tư, ảnh hưởng đến nền kinh tế có độ mở cửa cao như Việt Nam.
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng nhận định, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn.