Tăng cường tuyển dụng
Ông Nghiêm Thanh Trường - Trưởng phòng nhân sự Công ty May Thanh Tú - cho biết, thời điểm cuối năm là giai đoạn quan trọng, doanh nghiệp cần tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bổ sung thêm 120 lao động bằng nhiều cách như nhận hồ sơ trực tiếp, thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.
Với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng như trước đây, theo ông Nghiêm Thanh Trường rất khó thu hút với lao động nên doanh nghiệp đã chủ động tăng lương khởi điểm từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, cùng các phúc lợi khác như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, linh hoạt giờ làm...
Để người lao động vừa có việc làm ổn định, chế độ đãi ngộ tốt, doanh nghiệp cũng vừa đảm bảo được tiến độ đơn hàng, giữ được uy tín với đối tác.
Do thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán 2023 sớm hơn mọi năm nên anh Trần Văn Trường (Công ty sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Trường Sơn) cũng đã sắp xếp thời gian hoàn thành kế hoạch sản xuất sớm hơn mọi năm.
Để khích lệ và giữ người lao động làm việc hiệu quả, doanh nghiệp cũng đã cân nhắc chế độ đãi ngộ, lên kế hoạch tổ chức các chuyến xe đưa lao động về quê ngay sau khi đơn hàng cuối cùng xuất xưởng.
Giữ ổn định đơn hàng, duy trì sản xuất
Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, bức tranh về thị trường lao động từ quý III/2022 có rất nhiều điểm sáng. Trong quý III/2022, lực lượng lao động đã tăng nhanh và ổn định với 51,9 triệu người (tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái).
Đặc biệt, thu nhập của người lao động trong quý III/2022 tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý này đạt 6,7 triệu đồng/tháng (tăng 143.000 đồng so với quý trước và tăng đến 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái).
Nhiều chuyên gia cho rằng, bước vào quý IV/2022, các doanh nghiệp trong nước đang tăng cường tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp sản xuất, đồng thời tăng thu nhập để thu hút nguồn lao động lớn, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển trong những tháng cuối năm.
Để làm điều này, nhiều doanh nghiệp cần chủ động kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm cho nhau theo nguyên tắc hợp tác, dùng chung tệp khách hàng.
Bà Bùi Thị Lan - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hải Thanh - thông tin, lượng xuất khẩu hiện nay sụt giảm do sức cầu trên thị trường giảm đáng kể.
Điều này đồng nghĩa với việc đơn hàng và lợi nhuận cũng giảm mạnh. Trong khi đó, các chi phí khác như lương người lao động, nguyên liệu đầu vào lại khó giảm.
Vì thế, việc cấp thiết mà các doanh nghiệp cần thực hiện ngay đó là lên kế hoạch tìm kiếm khách hàng, tìm cơ hội gia tăng đơn hàng. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương trước đó cũng nhấn mạnh sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng nhận định, doanh nghiệp đang rất cần những chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là nhóm sản xuất và dịch vụ phụ thuộc nhiều vào giá nguyên phụ liệu đầu vào hoặc chi phí logistics như ngành đánh bắt thuỷ sản, giao thông vận tải công cộng, xuất khẩu nông thuỷ sản... giải quyết những vướng mắc về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thiếu lao động hoặc các yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng, cắt giảm thêm các loại thuế, phí hoặc các gánh nặng thủ tục không cần thiết.