Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3.2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3.2021 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,4%) cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; vận tải hàng hóa tăng 5,3% so với tháng trước về lượng hàng hóa vận chuyển, dù vận tải hành khách và khách quốc tế đến nước ta vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Riêng trong tháng 3.2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 405,1 nghìn tỉ đồng,tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỉ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I ước tính đạt 1.033,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng, cho thấy hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tại thị trường trong nước tháng 3 có xu hướng phục hồi.
Tại một số địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I so với cùng kỳ năm trước tăng. Trong đó, Hải Phòng tăng 11,3%; Cần Thơ tăng 10,8%; Hà Nội tăng 8%; Đà Nẵng tăng 7,9%; Thanh Hóa tăng 6,7%; Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng tăng 6,6%; Đồng Nai 5,7%...
Theo Sở Công Thương TPHCM, doanh thu bán lẻ các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng khá trong quý I/2021, ngoài nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,9%, thì những mặt hàng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu cũng tăng trưởng đáng lạc quan, như: May mặc tăng 12,2%, ôtô tăng 11,5%, đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 7,9%...
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh quý I/2021 ước đạt hơn 14.647 tỉ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù là một trong những tỉnh bị bùng phát dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm 2021, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2021 của Hải Phòng ước đạt 37.128 tỉ đồng, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước…