Trước tình trạng nông sản dư thừa tại Hải Dương do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 28.2, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã chung tay "giải cứu" 5 tấn su hào, bắp cải và 6.000 trứng gà.
Toàn bộ số nông sản này được Cục Xúc tiến thương mại phát miễn phí đến 3 địa điểm ở Phú Thọ, đó là: Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ - nơi đào tạo 150 trẻ em SoS; làng SoS Phú Thọ; Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và tàn tật Việt Trì và Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ.
Đại diện Cục Xúc tiến thuơng mại cho biết, trước tình trạng nông sản dư thừa ở Hải Dương, Cục đã kết nối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, làm đầu mối để thu mua, "giải cứu" nông sản, nhằm giúp người dân tỉnh Hải Dương vượt qua khó khăn.
Đoàn thanh niên của Cục Xúc tiến thương mại trực tiếp xuống các vựa nông sản ở Hải Dương để thu mua, cùng nhau bốc dỡ hàng nông sản, chuyển lên ôtô tải và xe tải nhỏ, rồi phát miễn phí tại 3 địa điểm ở tỉnh Phú Thọ.
Tại vườn rau, Đoàn Thanh niên Cục Xúc tiến thương mại và người dân ở đầu Hải Dương mang đồ bảo hộ phòng dịch cẩn thận, nhổ su hào, cắt bắp cải và đưa lên xe. Các xe được phun khử khuẩn và vận chuyển đến chốt kiểm soát giáp với Hà Nội và bốc dỡ nông sản lên các xe tải, khử khuẩn một lần nữa trước khi chở ra.
"Mọi việc rất gấp rút, chúng tôi chỉ có một ngày từ việc lên kế hoạch, kết nối với đầu mối, liên hệ với đơn vị vận chuyển và nơi tặng miễn phí.
Dù có chút vất vả, nhưng chúng tôi rất vui vì góp một phần nhỏ giúp nông dân vùng dịch bán được vườn rau đã đến mùa thu hoạch và mang đến những nơi cần như Bệnh viện Nhi Phú Thọ hay Làng trẻ SoS, chúng tôi thấy rất vui", đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Theo ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đến ngày 3/3 Hải Dương hết thời gian giãn cách xã hội, nhưng các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cần thu hoạch và tiêu thụ khoảng 62.000 tấn. Việc hạn chế lưu thông hàng hóa đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Ông Bản nói vừa qua cũng có ý kiến e ngại sử dụng nông sản vùng dịch. Nhưng phần lớn nông sản của Hải Dương đã được sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, một số nông sản còn được sản xuất hữu cơ. Do đó, tỉnh Hải Dương khẳng định, hầu hết nông sản của tỉnh đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng.