Hội thảo là hoạt động tạo tiền đề, hưởng ứng “Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ VI” diễn ra tại Hậu Giang.
Theo đó, Hội thảo đưa ra các giải pháp giúp ngành nông nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu và giải quyết bài toán lợi nhuận cho ngành sản xuất lúa gạo; đồng thời đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn giúp người nông dân có lãi cao hơn, doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang - cho hay, với sự biến động mạnh của giá lúa trong thời gian qua, nông dân trồng lúa tại Hậu Giang vô cùng phấn khởi vì bán được giá cao hơn những vụ trước.
Ông Tuyên cho rằng, giá lúa tăng nhưng không khỏi lo lắng vì chi phí phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất theo đó cũng tăng đáng kể, đồng thời tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ, nếu tình hình vật tư nông nghiệp và các khoản chi phí khác tiếp tục gia tăng như hiện nay thì dù giá lúa gạo có tăng thì lợi nhuận thực sự của người nông dân vẫn tăng không đáng kể. Về lâu dài, khả năng người hưởng lợi từ thời cơ tăng giá lúa chưa hẳn đã là người nông dân.
Ông Tuyên thông tin thêm, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được 7 vùng trồng lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước với diện tích 282,12 ha/161 hộ, sản lượng trong năm khoảng 3.635,5 tấn.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ngành Nông nghiệp Hậu Giang cũng đã đến địa phương tuyên truyền, mở rộng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, tăng tỉ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường, phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp.
PGS.TS Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) - cho biết, để khắc phục và giúp người trồng lúa gạo thịnh vượng hơn, nông dân cũng cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa.
Từ đó, sẽ tác động đến gia tăng hiệu quả sản xuất lúa và thu nhập. Kéo giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, liên kết hợp tác cánh đồng lớn và hợp tác xã.
Bên cạnh đó, liên kết hợp tác với doanh nghiệp, đa dạng hóa nguồn thu nhập, cải thiện môi trường sản xuất. Từ đó, đóng góp cho an ninh lương thực, xuất khẩu, bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Theo ông Bổng, khảo sát năm 2021 của Bộ NNPTNT cho thấy, có 3 kênh tiêu thụ lúa gồm nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chiếm 12,1% tổng sản lượng lúa; nông dân bán lúa qua hợp tác xã (chiếm 37,5%) để phân phối lại cho doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu hoặc qua thương lái; nông dân bán qua thương lái (chiếm 49,5%) và phân phối lại cho các đối tượng khác. Diện tích sản xuất lúa có liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chỉ đạt 10%.