Tình trạng chung
Nhân vụ truy thu 1,5 tỉ đồng tiền thuế của cá nhân nói trên tại TP.HCM, đại diện Tổng cục Thuế trong một phát ngôn cho rằng các tập đoàn đa quốc gia cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thuế nhằm truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân và doanh nghiệp.
Dòng tiền này, như đề cập, đến từ sự hợp tác phát triển nội dung đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube mang đến nguồn thu từ quảng cáo.
Trường hợp cá nhân bị truy thu thuế 1,5 tỉ đồng đã có khoảng thời gian 3 năm hoạt động trên YouTube mang lại nguồn thu 19 tỉ đồng.
Cần nhớ rằng một năm trước, Cục Thuế TP.HCM cũng đã truy thu thuế 4,1 tỉ đồng đối với một cá nhân có thu nhập lên đến 41 tỉ đồng từ YouTube và Facebook trong hai năm nhưng không khai thuế.
Trên thực tế, tình trạng các YouTuber và Facebooker có thu nhập cao nhưng không kê khai nộp thuế không chỉ xảy ra ở Việt Nam.
Mới đây, sau quá trình điều tra nhiều tháng, cơ quan thuế Hàn Quốc cũng đã truy thu khoản thuế 1 tỉ won (tương đương 19 tỉ đồng) đối với 7 YouTuber ở xứ sở kim chi. Những người này đã kiếm được số tiền gấp 4,5 lần số tiền thuế bị truy thu.
“Ông lớn” chưa hợp tác
Theo Cục Thuế TP.HCM, năm 2018, cơ quan này dù mới chỉ rà soát và truy suất qua bốn ngân hàng lớn đã lần ra hàng ngàn trường hợp cá nhân có nguồn thu nhập từ Facebook, YouTube nhưng không kê khai thuế.
Trong trường hợp có sự hợp tác từ các “ông lớn” như Google và Facebook, câu chuyện sẽ khác, cơ quan thuế không phải gian nan và mất nhiều thời gian để lần manh mối, truy xuất ra các nguồn thu nhập lớn bất thường không kê khai nộp thuế như vậy.
Cần biết rằng, Facebook và Google cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, chưa đăng kí pháp nhân hoạt động và cũng không thực hiện các nghĩa vụ về thuế tại Việt Nam. Trong trường hợp bất hợp tác với cơ quan thuế Việt Nam để truy xuất các nguồn thu của những Facebooker và YouTuber, các “ông lớn” này cũng khước từ cả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đối tác của mình thực hiện nghĩa vụ thuế tuân thủ theo pháp luật.
Kiếm tiền trên Facebook, YouTube đã trở thành một nghề từ nhiều năm qua của nhiều cá nhân làm tự do. Tuy nhiên, nguồn thu nhập của những đối tượng này hầu như khó kiểm soát vì không có sự hợp tác từ chính Facebook và Google là hai tổ chức lớn nhất và cũng trả nhiều thu nhập nhất cho các đối tác phát triển nội dung của họ tại Việt Nam.
Những dòng tiền này hầu hết được chuyển qua tài khoản thẻ tín dụng, chính vì thế cơ quan thuế không nắm được thông tin. Bản thân các ngân hàng cũng chỉ cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch của khách hàng có mức độ khi cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu.