Doanh nghiệp phục hồi tích cực
Tại Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) lần thứ 1 năm 2022. Tham dự có hơn 200 DN thuộc nhiều lĩnh vực đóng trên địa bàn Khánh Hòa.
Chủ trì cuộc đối thoại có ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư, từ tháng 1 đến 31.5, toàn tỉnh có 910 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 10.706 tỉ đồng. Số DN quay trở lại hoạt động là 837 DN, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 26.5, tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 10.234 DN. 5 tháng đầu năm toàn tỉnh thu hút được 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 436 tỉ đồng. Số thu nội địa toàn tỉnh lũy kế đến hiện tại thực hiện được 5.660,4 tỉ đồng, đạt 56,9% dự toán pháp lệnh và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa, sau 2 năm bị tác động rất nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của DN đang được phục hồi và bước đầu có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong quý I/2022 cơ bản ổn định (42%) và có tăng lên (42%) so với quý IV/2022; Mức độ hoàn thành kế hoạch của DN trong quý I/2022 là 71%.
Doanh nghiệp khá quan tâm đến việc Nhà nước tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho DN, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất. Hơn 70% DN đề xuất, kiến nghị tỉnh và các ngành liên quan tạo thuận lợi tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ DN.
Không hợp thức sai phạm!
Tại buổi đối thoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 63 nội dung kiến nghị của các DN, trong đó 32 nội dung kiến nghị của DN đã được giải quyết dứt điểm.
Có 26 nội dung kiến nghị của DN đang giải quyết và tiếp tục theo dõi. Trong đó có 2 kiến nghị đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh về khu quy hoạch làng nghề cho sản xuất, chế biến nước mắm tại Nha Trang và xử lý rác thải tại Khu Công nghiệp Suối Dầu do UBND huyện Cam Lâm chưa đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung.
Có 24 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đầu tư, xin miễn tiền sử dụng đất đối với nhà ở xã hội, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án Nha Trang City Central...
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: Tỉnh chia sẻ với khó khăn của DN tuy nhiên những kiến nghị liên quan đến nhóm dự án sai phạm đã được cơ quan chức năng kết luận thì phải chờ hướng xử lý.
“Nhóm dự án về định giá đất gây thất thoát nhà nước tỉnh đang thành lập hội đồng xác định giá đối với các dự án này để đưa ra giá đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi có được giá và được các cấp phê duyệt thì DN thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với nhóm sai quy hoạch, quy chuẩn quan điểm của tỉnh là không hợp thức việc sai nhưng tìm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, phù hợp với quy định của pháp luật” - ông Tuân thông tin.
Cũng theo chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, “những DN có dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở” - đây là khai niệm không có trong Luật Đất đai nên phải về vị trí cũ. Những dự án chưa hình thành thì chuyển về đất ở thương mại. Những dự án đã hình thành thuộc nhóm cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện... thì chuyển đất ở và chủ đầu tư nộp ngân sách theo quy định. Còn những dự án bán cho nhà đầu tư thứ cấp thì căn cứ giấy phép đầu tư loại hình đất du lịch, cấp sổ hồng đất dịch vụ thương mại. Tỉnh cấp là để DN làm du lịch chứ không phải bán, thời gian qua nhiều người dân yêu cầu tỉnh cấp sổ đỏ là không hợp lý”.
Với 14 kiến nghị, vướng mắc của DN được trao đổi trực tiếp tại buổi đối thoại, đã có 8 lượt lãnh đạo sở ngành và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời và hướng dẫn DN thủ tục liên quan.
Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: Tỉnh đang nỗ lực phối hợp với Chính phủ, Bộ ngành để tháo gỡ những sai phạm liên quan đến các dự án trước đây, quan điểm của tỉnh là luôn đồng hành cùng DN.