Ngày 5.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị “An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra” tại TP Cần Thơ.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang hơn 140 thị trường trên thế giới. Kim ngạch năm 2022 đạt 2,44 tỉ USD, tăng 51,5% so với năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Đến nay, mặt hàng này vẫn còn một số hạn chế trong công đoạn nuôi như phát hiện sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi cá tra và không được xử lý triệt để.
Công tác quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi, cơ sở ươm giống còn nhiều hạn chế (tỷ lệ cơ sở ươm giống được chứng nhận; giám sát thực hiện cam kết thấp; kết quả quản lý cơ quan địa phương chưa phản ánh đúng thực tế điều kiện của các cơ sở).
Về công đoạn chế biến: Một số cơ sở duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa tốt; Tình trạng lạm dụng phụ gia, mạ băng dẫn đến giảm uy tín sản phẩm tại một số thị trường nhập khẩu (Braxin, EU); Số cơ sở chế biến tự xây dựng chuỗi sản xuất, vận chuyển, chế biến đảm bảo ATTP chưa nhiều; Tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn thấp.
Bà Tô Tường Lan – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục tại thị trường Mỹ do lạm phát đang dần hạ nhiệt, tạo điều kiện kích thích người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thời điểm cuối quý II, đầu quý III là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm.
Song, số lượng cá tra tồn kho ở nhiều nước đang giảm dần. Giá thức ăn cho cá tra đang giảm dần, tạo điều kiện, giúp nông dân đẩy mạnh thả nuôi vào các tháng cuối năm.
Và dự báo kim ngạch cá tra năm 2023 sẽ giảm 15% so với năm 2022, đạt 2 tỉ USD.
Phó tổng thư ký Hiệp hội VASEP cũng đánh giá, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng cho sự phục hồi trong những tháng tiếp theo khi đơn đặt hàng vẫn còn rất chậm tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, các ngành chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với địa phương cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, phân phối thuốc thú y thủy sản cấm sử dụng; liên tục cập nhật, phổ biến về quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi...