Muốn dừng khai thác để an cư lạc nghiệp
Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á. Mỏ này nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (Tập đoàn TKV nắm cổ phần chi phối) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008. Dự án triển khai bóc đất tầng phủ vào năm 2009, đến năm 2011 thì dừng hẳn (do thiếu vốn) cho đến nay.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án phải di dời gần 4.000 hộ dân các xã Thạch Khê, Thạch Hải, Đỉnh Bàn, Thạch Trị, Thạch Lạc và bồi thường hơn 3.000 tỉ đồng nhưng thực tế mới bồi thường được hơn 250 tỉ đồng.
Nhà cách bãi thải mỏ sắt Thạch Khê chỉ ít trăm mét, chị Nguyễn Thị Hiền (34 tuổi, trú thôn Nam Hải, xã Thạch Hải) khi được hỏi về quan điểm sau khi Tập đoàn TKV vừa đề xuất tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã nói ngay “Chúng tôi không muốn họ khai thác nữa. Dừng hơn chục năm rồi người dân chúng tôi đã làm nhà cửa to, ổn định rồi nên giờ không muốn khai thác nữa. Hãy để cho chúng tôi có cuộc sống yên ổn luôn, đừng làm chúng tôi lo lắng, bất an thêm nữa.”
Theo chị Hiền, những hệ lụy của việc trước đây khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã khiến người dân vùng mỏ bị cát từ bãi thải bay vào nhà, tụt nước ngầm, nước nhiễm phèn, người dân không được cấp đất ở, không được làm nhà mới, phải sống chật chội, bức bí… vẫn còn ám ảnh mãi.
Quá khổ vì dự án "treo", 4 năm trước gia đình chị đã "liều" xây ngôi nhà 2 tầng khang trang giá tiền tỉ nên giờ chỉ muốn ổn định, an cư lạc nghiệp tại đây mà không phải tái định cư đi đâu nữa.
Là hàng xóm với chị Hiền, bà Nguyễn Thị Thảo (62 tuổi) cũng chia sẻ không muốn khai thác mỏ sắt Thạch Khê trở lại nữa. “Không đâu bằng an cư lạc nghiệp tại quê cha đất tổ đây luôn. Chúng tôi mệt mỏi với cuộc sống bất an, lo lắng sau bao nhiêu năm quy hoạch treo vì dự án này rồi” - bà Thảo bày tỏ.
“Nói chung nguyện vọng của dân nơi đây hầu hết là không muốn khai thác lại mỏ sắt Thạch Khê nữa và chúng tôi cũng muốn Chính phủ khẳng định là không khai thác nữa luôn để dân yên tâm” - ông Nguyễn Sỹ Liệu (trú thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê) chia sẻ.
Cũng theo ông Liệu, trước đây gia đình ông đã được kiểm đếm bồi thường về mồ mả phải cất bốc di dời, còn nhà ở thì vẫn thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, khi chưa kiểm đếm bồi thường nhà thì mỏ sắt dừng khai thác cho đến nay luôn.
Trữ lượng lớn nhưng khó khai thác
Ông Nguyễn Quốc Toán (81 tuổi, trú thôn Đồng Giang, xã Thạch Khê) kể, khoảng năm 1965 khi đó ông đang là công nhân Địa chất 8 thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam đã tham gia trực tiếp khoan thăm dò mỏ sắt Thạch Khê.
Kết quả khoan thăm dò cho thấy trữ lượng quặng ở đó rất lớn. “Khi khoan đến độ sâu một nghìn hai trăm mét nhưng vẫn chưa hết quặng mà ở độ sâu đó quặng còn cứng đanh làm cong cả mũi khoan luôn” - ông Toán kể.
Ông Toán cho rằng do quặng nằm sâu lại rất gần biển nên việc khai thác rất khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, với trữ lượng lớn và hàm lượng sắt ở đây rất cao nên nếu như có công nghệ hiện đại để khai thác đảm bảo an toàn thì nên khai thác vì mang lại nguồn tài nguyên rất lớn. Còn không thì phải cân nhắc kỹ vì liên quan đến môi trường, công nghệ và chi phí khai thác cũng rất lớn.
Ông Nguyễn Sỹ Liệu (trú thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê) kể rằng, trước đây khi doanh nghiệp tiến hành bóc đất tầng phủ bắt đầu khai thác quặng ở mỏ sắt Thạch Khê, là người dân địa phương nên ông tò mò đi xem. Chứng kiến máy móc đào bới cát ven biển ngay sát bờ biển trông rất khó khai thác quặng. Bởi sau khi đào, cát trượt xuống và nước biển thấm vào rất nhanh. “Phải có công nghệ khai thác thật hiện đại chứ tôi thấy rất khó khai thác.” - ông Liệu chia sẻ.