Trao đổi với PV Lao Động trưa 16.4, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT) khẳng định: Việc lưu thông Lan đột biến nằm ngoài quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13.12.2019.
Luật Trồng trọt và Nghị định 94 tập trung quản lý chặt với các loài cây trồng chính bao gồm: Lúa, ngô, càphê, cam, bưởi, chuối…, muốn được lưu hành phải khảo nghiệm bởi đây là những giống cây trồng có tác động rất lớn đến kinh tế đất nước, đặc biệt là cây lúa, ngô liên quan đến vấn đề an ninh lương thực.
“Đối với loại không phải là cây trồng chính bao gồm các loại hoa trong đó có hoa lan, lan đột biến… thì tổ chức cá nhân muốn lưu hành, buôn bán phải thực hiện tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 và tự chịu trách nhiệm với những thông tin mà họ công bố. Nếu buôn bán mà không phù hợp với thông tin đã công bố thì sẽ bị xử phạt” – ông Nguyễn Như Cường nói.
Theo Nghị định 94, tại khoản 3 Điều 16, quy định: Giống cây trồng đã có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ trưởng Bộ NNPTNT ban hành nhưng không có Quyết định công nhận giống cây trồng mới, được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31.12.2022.
“Tuy nhiên, luật bao giờ cũng có giai đoạn chuyển tiếp. Theo quy định tại khoản 3, Điều 16 Nghị định 94 thì các giống hoa và cây cảnh, trừ các loài thuộc danh mục hoang dã trong Công ước Cites, đã được đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 40 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31.12.2022 mà không cần phải làm thủ tục tự công bố theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định 94 của Chính phủ” – ông Nguyễn Như Cường nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Như Cường cũng khẳng định: Hoa lan nói chung và hoa lan đột biến nói riêng đến thời điểm này lưu thông trên thị trường là phù hợp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2023, bắt buộc phải được công bố minh bạch các thông tin: Ai là tác giả, nguồn gốc giống, giá trị canh tác, giá trị sử dụng… Nếu không công bố là vi phạm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Nguyễn Như Cường cũng khẳng định: Hiện tại trong giai đoạn chuyển tiếp thì việc lưu thông lan đột biến là hoàn toàn theo nhu cầu thị trường. Cục Trồng trọt không đề nghị rút ngắn thời gian chuyển tiếp, cũng không đề xuất truy xuất nguồn gốc lan đột biến.
“Không có chuyện Cục Trồng trọt đề nghị truy xuất nguồn gốc hoa lan để tránh đội giá lừa đảo. Mọi hoạt động trồng trọt, kinh doanh giống cây trồng đều thực hiện theo Nghị định 94. Còn việc giá lan đột biến hiện nay là do thị trường quyết định, Cục Trồng trọt không quản lý về giá, không chịu trách nhiệm về giá lên, giá xuống của việc bán lan đột biến mà chỉ quản lý những vấn đề về bảo hộ, sở hữu giống, còn giá cả do thị trường điều tiết chứ không thể quản lý và yêu cầu giống này chỉ được bán hay mua theo giá bằng này” – ông Nguyễn Như Cường nêu rõ.
Điều 8. Quy định chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán cây trồng
Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt và một số quy định chi tiết sau đây:
1. Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.
(Trích Nghị định 94/2019/NĐ-CP)