Trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 11.2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh một loạt các chính sách điều hành trước các quyết định tăng lãi suất rất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cụ thể, vào ngày 22.9, NHNN tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản, sau đó tăng tiếp 100 điểm cơ bản nữa vào một tháng sau đó (ngày 24.10). Trong khoảng thời gian này, vào ngày 17.10, NHNN đã công bố mở rộng biên độ giao dịch USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, cho phép VND linh hoạt hơn trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.
Đến ngày 16.3.2023, chính sách tiền tệ đã đảo chiều. NHNN hạ lãi suất tái chiết khấu ở mức 100 điểm cơ bản xuống 3,5% (từ 4,5%) trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu khi ngành ngân hàng ở Hoa Kỳ và châu Âu lún sâu trong cuộc khủng hoảng niềm tin. NHNN cũng giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống 6% và giảm trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực từ 5,5% xuống 5%.
Mới đây nhất vào 3.4, NHNN sẽ điều chỉnh giảm 0,3 - 0,5%/năm các mức lãi suất. Cụ thể, giảm 0,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn. Giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên. Giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia từ Ngân hàng UOB, khi cân bằng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo bình ổn giá, nhiều khả năng NHNN sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới.
"Hiện tại, chúng tôi nghĩ đây có thể là động thái một lần kèm nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn có thể được thực hiện nếu áp lực lạm phát trong nước giảm bớt. Mặc dù điều này rất không chắc chắn ở thời điểm hiện tại", UOB nhận định.
Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) - tin rằng động thái của NHNN hiện nay đang đón đầu, đi trước xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất toàn cầu
"Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là một động thái táo bạo nhưng hợp lý trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay. Bối cảnh GDP quý I/2023 tương đối thấp so với nhiều năm, áp lực lạm phát và tỷ giá cũng đã ở trong tầm kiểm soát và đang có xu hướng đi xuống", ông Tuấn nói.
Còn ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc AFA Capital - cho rằng trước đây chính sách tiền tệ thắt chặt, giờ nới lỏng cho thấy nền kinh tế đã bước vào chu kỳ hồi phục. Tuy nhiên ông kỳ vọng nếu có những đợt tăng giảm tiếp theo thì biên độ sẽ nhỏ hơn để thị trường có thể hấp thụ tất cả biến số đó. Bởi nếu giảm quá nhanh thì dòng tiền sẽ đổ vào những tài sản rủi ro.
"Khi có sự chênh lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên tôi vẫn chưa lo nhiều bởi cán cân thương mại xuất nhập khẩu và luồng vốn FDI hiện tại (dù thấp hơn kế hoạch) vẫn đang dương", ông Tuấn nhấn mạnh.