Dự án gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg ngày 11.12.2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy được lắp đặt bằng các thiết bị chất lượng cao nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản,… sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5, lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 3 - 3,5 triệu tấn. Khi vận hành, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Nhà máy đạt 84,2%, trong đó: Thiết kế đạt 99,6%; Ký các Hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; Gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,89%; Thi công đạt 82,2%, chạy thử đạt 3,6%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình đã gặp phải khó khăn trên nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là các vấn đề như: dòng tiền chậm, khó khăn trong công tác thu xếp vốn, nguồn nhân sự thiếu hụt - đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao.
Ngoài ra, các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Chính phủ để tháo gỡ cơ chế tài chính cho dự án mặc dù đã được các Bộ, ngành cơ bản đồng thuận nhưng đến nay các cấp có thẩm quyền vẫn chưa có quyết sách cuối cùng để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án, đặc biệt là kiến nghị về việc sử dụng vốn chủ sở hữu vượt tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn của dự án. Đây đang là vấn đề sống còn để đưa Dự án đi vào vận hành vào năm 2020, đảm bảo hiệu quả của dự án đối với nguồn điện quốc gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Vượt lên khó khăn, người lao động đồng cam cộng khổ với dự án từ ngày đầu đến nay đã được chứng kiến thành công là những dấu mốc quan trọng trong công tác xây dựng Nhà máy: Từ ngày 23.9 đến 26.9, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 hoàn thành đóng điện xung kích thành công máy biến áp T3 và tiến hành ngâm điện 72 giờ liên tục. Đến 9 giờ 00 ngày 29.10.2019, Tổng thầu và các chuyên gia chạy thử đã tiến hành đóng điện thành công máy cắt 933A, B lấy nguồn từ lưới 220kV Hệ thống điện Quốc gia cấp cho hệ thống tủ trung thế, hạ thế để phục vụ công tác chạy thử của nhà máy. Nguồn điện tự dùng này được sử dụng để chạy thử các hệ thống trong nhà máy như: Hệ thống xử lý nước, hệ thống điều hòa thông gió, hệ thống PCCC, hệ thống điều khiển ICMS, hệ thống lò hơi phụ...
Để đạt được những dấu mốc quan trọng này, các hạng mục công việc liên quan như: Sân phân phối 220kV, PCCC, Nhà Điều khiển Trung tâm, Thông tin SCADA, Hệ thống điện trung thế, hạ thế,… trước đó đều phải được lắp đặt hoàn thiện và sẵn sàng cho việc nhận điện ngược, đây là những hạng mục hết sức quan trọng được coi là trái tim của Nhà máy. Việc đóng điện thành công đảm bảo nguồn điện ổn định hơn, chất lượng cao hơn phục vụ công tác chạy thử, bắt đầu công tác thử nghiệm vận hành đơn động, liên động các thiết bị đã hoàn thành lắp đặt. Đây là dấu mốc mới sau hàng loạt những khó khăn mà dự án gặp phải để tiến tới mục tiêu đốt lửa lần đầu tổ máy số 1.
Đây là quyết tâm lớn khẳng định sự kiên định, nỗ lực hết mình của tập thể Lãnh đạo, người lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban QLDA, tổng thầu PVC, các Nhà thầu phụ đang ngày đêm trăn trở tìm mọi cách phá vỡ khó khăn, thách thức trong quá trình thi công, bám sát tiến độ hoàn thành dự án trên công trường NMNĐ Thái Bình 2.
Trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban QLDA, Tổng thầu PVC và các nhà thầu phụ sẽ tiếp tục nỗ lực, kiên định công tác, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện, chạy thử một số hệ thống khí nén, nhà xử lý nước,…
Tuy nhiên, cùng sự nỗ lực của Tập đoàn, Ban QLDA và các đơn vị, rất cần sự quan tâm, sát sao, quyết sách dứt khoát, tháo gỡ kịp thời của các cấp thẩm quyền để đạt được mục tiêu phát điện thương mại tổ máy số 1 vào tháng 12.2020 và tổ máy số 2 vào quý I năm 2021 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2019.