Gấp rút bổ sung tài sản đảm bảo
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) vừa công bố sử dụng tài sản quyền sở hữu và quyền khai thác tài sản thuộc Dự án chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (TPHCM) để bổ sung tài sản bảo đảm cho các đợt phát hành trái phiếu lần 1, lần 3, lần 6, lần 7 của năm 2021 và lần 1 năm 2022 với bên thứ ba.
Đây không phải lần đầu tiên Phát Đạt bổ sung tài sản đảm bảo là bất động sản. Trước đó, Phát Đạt cũng đã dùng quyền sở hữu tài sản gồm toàn bộ cổ phần và quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch Bến Thành - Long Hải (dự án Tropicana) do công ty Bến Thành Long Hải làm chủ đầu tư để bổ sung tài sản đảm bảo cho người sở hữu trái phiếu.
Động thái liên tục bổ sung tài sản đảm bảo cho trái phiếu này bắt nguồn từ thị giá mã chứng khoán PDR lao dốc mạnh. PDR đã giảm sàn với trạng thái mất thanh khoản trong 10 phiên gần nhất. Tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, PDR đã "bốc hơi" tới 53% giá trị.
Trong báo cáo tài chính quý 3/2022, Phát Đạt đang thế chấp 152 triệu cổ phiếu để đảm bảo cho các khoản vay bằng trái phiếu. Theo đó, công ty dùng 126,13 triệu cổ phiếu PDR đảm bảo cho khoản nợ 2.846,5 tỉ đồng trái phiếu.
Ngoài ra, Phát Đạt cũng dùng 25,5 triệu cổ phiếu PDR cho khoản nợ 1.270,3 tỉ đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, Công ty TNHH Dịch vụ Giải pháp Công nghệ Hoàng Anh cùng một số cá nhân, tổ chức khác.
Không riêng Phát Đạt, ngày 8.11, DIC Corp đã thay đổi 110 triệu cổ phiếu DIG làm tài sản đảm bảo thành 79,2 triệu cổ phiếu, tức giảm 30,8 triệu cổ phiếu. Đồng thời, DIC Corp cũng đã phải bổ sung 80 bất động sản tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai làm tài sản đảm bảo thay cho 3 lô trái phiếu mà 55 triệu cổ phiếu của bên thứ ba vừa bị bán giải chấp.
Như lấy mạng sống bảo đảm cho món nợ mất khả năng thanh toán
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu của doanh nghiệp uy tín trên thị trường thì hoàn toàn có thể yên tâm về sự bảo đảm. Bởi nếu nhà phát hành không trả được nợ, họ sẽ bán cổ phiếu lấy lại tiền.
Tuy nhiên, trường hợp này khó xảy ra. Bởi nếu nhà phát hành mất thanh khoản thì ngoài thị trường chứng khoán chắc chắn cổ phiếu cũng sẽ giảm giá rất mạnh. Do đó, khách hàng có cầm cổ phiếu thì họ cũng không lấy lại được tiền.
“Có thể nói dùng cổ phiếu của nhà phát hành để bảo đảm cho trái phiếu cũng giống như người lấy mạng sống của mình bảo đảm cho món nợ khi họ mất khả năng thanh toán”, ông Nguyễn Trí Hiếu ví von.
Bộ Tài chính cũng từng khuyến cáo đối với những tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu. Khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.