Theo quyết định của Thủ tướng, việc thoái vốn phải bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.
VTV trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án tháp truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.
Đối với dự án Tháp truyền hình, tháng 2.2015, Thủ tướng đã đồng ý cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia dự án này.
Tuy nhiên, với lý do cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình, VTV đã đề nghị “thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty”.
VTV cũng nêu “SCIC chủ trương đưa Cty Cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án… không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển SCIC”.
Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.
Do vậy, sau đó, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu thực hiện dự án và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.
Về Cty cổ phần Tháp truyền hình, Cty này được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 3.12.2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Theo báo cáo của VTV, đến nay 3 đơn vị góp vốn mới góp được 150 tỷ đồng. Do đó, theo quy định, doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ.
Theo những thông tin trước đó, VTV và hai đối tác là SCIC và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã thành lập Cty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD dành riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới với chiều cao 636m.