Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu này là khá cao. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được con số đề ra.
Trao đổi với Lao Động, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, Việt Nam cần phải nỗ lực rất cao. Theo dự báo, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới còn hiện hữu, tiếp tục tác động lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta. Vì vậy, trong năm 2024, các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
“Cần rất quyết liệt giải quyết những nút thắt về thể chế để khơi thông nguồn lực thì mới có thể nắm bắt nhanh những cơ hội mới. Đồng thời phải tiếp tục tăng thêm các chính sách mới, tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng” - GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, ngoài các giải pháp Chính phủ đã đề ra, cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, tiếp tục thực hiện giảm thuế, phí để giảm bớt chi phí cho nền kinh tế.
Đối với chính sách tài chính, tài khóa, ngân sách, GS.TS Hoàng Văn Cường cho hay, cần tiếp tục giữ được ngân sách một cách ổn định. Ngoài ra, đầu tư công đến lúc phải thay đổi.
Tiếp tục giảm thuế, phí, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thông thoáng
Cùng trao đổi, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) nhấn mạnh một số giải pháp như: Tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa, tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu đoàn Lạng Sơn cho rằng, cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đến đổi mới sáng tạo đồng thời tăng cường liên kết vùng.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - cho rằng: “Thách thức vẫn còn, năm 2024 chúng tôi gọi là năm định hình mô hình tăng trưởng mới, tư duy mô hình từ ngành công nghiệp cho đến những lĩnh vực lớn”.
Tăng năng suất lao động là con đường để đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững
Theo Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), các chuyên gia kinh tế đánh giá, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2020 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức NSLĐ của Singapore.
Điều này phản ánh kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp NSLĐ của các nước trong khu vực. Vì vậy, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển tiên tiến của các nước.