Chốt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG |

Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%; yêu cầu triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.

Chốt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, chiều 9.11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Sau đó, kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 90,49%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo Nghị quyết, Quốc hội thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD; chỉ số giá tiêu dùng tăng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động 4,8-5,3%...

Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị.

Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Tăng cường năng lực phân tích dự báo, nắm chắc tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả với các vấn đề mới phát sinh.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Triển khai phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng.

Thúc đẩy tiến độ đầu tư, bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững.

Quốc hội cũng yêu cầu chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong đó, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển mạnh thị trường lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả, nhất là thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai nhanh, hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Nỗ lực đạt tăng trưởng GDP trên 5%, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ

PHẠM ĐÔNG - THÙY LINH |

Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Vương Trần - Phạm Đông |

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo tình trạng dư nợ trên GDP của Việt Nam.

Khó khăn bủa vây, tăng trưởng GDP đạt 5% là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Sáng 23.10, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 6 để thảo luận, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo đạt khoảng 5%. Các chuyên gia đưa ra quan điểm về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong quý cuối năm và những năm tới.

Tạm dừng hoạt động vui chơi, du lịch trong thời gian báo động lũ

Chí Long |

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, trong đó có chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ.

Bắc Ninh tiếp tục sơ tán 450 hộ dân trong đêm

Vân Trường |

450 hộ dân trong một khu phố ở TP Bắc Ninh đã được sơ tán đến nơi an toàn vào rạng sáng nay khi mực nước sông khu đê bối dâng cao, có dấu hiệu tràn qua mặt đê.

Bản tin công đoàn: Tăng lương với giáo viên hợp đồng 111

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung sau: Tổng LĐLĐVN kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão; Giáo viên ký hợp đồng 111 có được tăng lương?...

Gia cố nhiều điểm xung yếu dọc sông Lô

Việt Bắc |

Trong khi vị trí vỡ đê tại Tuyên Quang đang chờ được khắc phục, nhiều vị trí xung yếu khác dọc sông Lô đoạn qua Phú Thọ cũng khẩn trương được gia cố.

181 người chết, 145 người mất tích do ảnh hưởng bão số 3

Khương Duy |

Đến 22h ngày 11.9, có 181 người chết, 145 người mất tích. Số người chết, mất tích do ảnh hưởng cơn bão số 3 hôm qua tăng 126 trường hợp.