Kế hoạch phát hành tiền điện tử Libra của Facebook đã vấp phải điệp khúc phản đối từ các nhà quản lý, ngân hàng trung ương và chính phủ các nước, cho rằng phải tôn trọng các quy tắc chống rửa tiền và đảm bảo an toàn cho các giao dịch và dữ liệu người dùng.
Bên cạnh đó cũng có những lo ngại sâu xa hơn về sức mạnh của các gã khổng lồ công nghệ ngày càng lấn lướt những lĩnh vực của chính phủ, như phát hành tiền tệ.
"Chủ quyền của các quốc gia không thể bị nguy hiểm" - Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu hôm 17.7 sau khi chủ trì ngày đầu tiên của cuộc họp kéo dài 2 ngày.
"Quan điểm chung của chúng tôi là lo ngại về kế hoạch phát hành đồng tiền ảo Libra, và thống nhất rằng cần có hành động khẩn cấp" - ông Le Maire nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Sholz cho rằng các kế hoạch của Facebook "dường như chưa được suy nghĩ thấu đáo", thêm vào đó là những câu hỏi về bảo mật dữ liệu.
"Tôi tin chắc là chúng ta phải hành động nhanh chóng và Libra không thể ra mắt chừng nào mà tất cả những câu hỏi về pháp lý và quy tắc được giải quyết" - ông Scholz nói với báo giới.
Pháp, nước chủ tịch G7 năm nay, đã yêu cầu thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu Benoit Coeure thành lập một nhóm chuyên trách của G7 để xem xét tiền điện tử và tiền kỹ thuật số giống như Libra.
Ông Coeure đã trình bày một báo cáo sơ bộ trước cuộc họp, cho biết nếu Facebook muốn nhận tiền gửi, họ phải có giấy phép ngân hàng, đồng nghĩa với việc phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong hoạt động ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết, nhóm chuyên trách của G7 theo thời gian có thể là đơn vị quản lý phạm vi điều chỉnh rộng hơn, do tác động lớn mà Libra có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.
"Nếu Libra muốn được sử dụng trên toàn cầu, các nước phải tìm kiếm một phản ứng phối hợp trên toàn thế giới. Đây không phải là điều có thể thảo luận chỉ giữa các ngân hàng trung ương G7" - ông Kuroda nói.