Đã vào thời điểm cuối năm nhưng thực tế hiện nay, sức mua tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM vẫn còn khá chậm. Chủ sạp kinh doanh cũng chưa có kế hoạch nhập hàng số lượng lớn do lo ngại sức mua giảm trong dịp Tết sắp tới.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà - kinh doanh bánh kẹo tại chợ Tôn Thất Đạm (quận 1) - chia sẻ, gần 20 năm kinh doanh ở chợ, chưa bao giờ sạp hàng lại rơi vào tình cảnh ế ẩm như năm nay. Sức mua kể từ khi chợ mở cửa lại sau dịch đến nay vẫn còn thấp, trong dịp Tết năm nay nếu "ôm" hàng sẽ gặp rủi ro rất cao.
Trước đó, do ảnh hưởng bởi thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, một số mặt hàng được nhập về trong khoảng đầu năm đã rơi vào thời gian gần hết hạn sử dụng, thậm chí một số hàng còn bị hư hỏng và đã hết hạn dùng.
"Mọi năm dịp gần Tết, khách đến mua hàng rất đông nhưng năm nay đến giờ vẫn còn rất thưa thớt, chợ chỉ toàn người đi lại chứ không có mấy ai dừng lại mua. Lúc vừa hết thời gian đóng cửa vì dịch xong đến giờ là lỗ lắm vì lúc đó sau mấy tháng mở cửa lại, nhiều mặt hàng đồ khô bị hỏng phải bỏ hết. Đây là tình hình chung chứ không phải riêng mình tôi"- bà Hà nói.
Bà Thủy - chủ sạp kinh doanh tại chợ Bến Thành hơn 10 năm - cho biết, đến nay bà vẫn chưa dám đặt thêm hàng bán Tết. Theo bà Thủy, đặc thù của chợ là bán cho khách du lịch là chính, do đó, dù chợ đã mở cửa hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, lượng khách vẫn rất ít.
Theo các tiểu thương, trong năm nay nguồn cung một số mặt hàng bánh, mứt, kẹo... cũng trở nên khan hơn. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng không trụ nổi đã phải đóng sạp.
Không chỉ mặt hàng bánh kẹo rơi vào tình cảnh ế ẩm mà mặt hàng quần áo cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc - chủ sạp kinh doanh quần áo tại chợ Tôn Thất Đạm - cho hay, càng ngày lượng khách tới mua hàng càng trở nên thưa thớt hơn dù thời gian này đã bắt đầu vào "mùa" sắm Tết.
"Doanh thu hiện nay rất bấp bênh. Trước đây, tôi có thuê thêm 2 người phụ bán hàng nữa nhưng từ khi sau dịch tới giờ, chi phí không bù lại được nên tôi không thuê người được nữa. Một sạp hàng này là nguồn thu chính của gia đình nuôi 5-6 người mà giờ kinh doanh ngày một khó khăn và ế ẩm hơn"- bà Cúc giãi bày.
Hoạt động cầm chừng, nghe ngóng thị trường và chờ đợi người tiêu dùng là cách mà các tiểu thương tại các chợ truyền thống ở TPHCM đang làm mặc dù đã vào mùa mua sắm cho Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.