“Điểm tựa” đầu tư công tạo đà cho tăng trưởng
Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến năm 2022, dù nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn khởi sắc, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023. Để khắc phục điều này, cần đẩy mạnh nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, trong quý I/2022, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo đà cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội (KTXH) trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo. Những kết quả khả quan về tăng trưởng KTXH trong những tháng đầu năm đã củng cố niềm tin, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp (DN) vào chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho hay, đầu tư là công cụ giúp các thành phần kinh tế phục hồi và là động lực cho tăng trưởng. Trong đó, ĐTC tập trung vào cơ sở hạ tầng sẽ là “vốn mồi” dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội. Đầu tư vừa kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN là 50.328 tỉ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN cho các chủ đầu tư, BQL Dự án tổng số 41.955 tỉ đồng, đạt 83,4%, trong đó đã phân bổ 100% vốn nước ngoài và 81,6% vốn trong nước (37.078 tỉ đồng).
Xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương giải ngân ĐTC “ì ạch”
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định là 518.105,895 tỉ đồng, trong đó vốn trong nước 483.305,895 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 34.800 tỉ đồng; còn lại chưa giao là 8.000 tỉ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thế nhưng, đến nay còn 13/51 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 với số vốn là 51.982,582 tỉ đồng (chỉ bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Chỉ rõ những địa chỉ cụ thể còn “ì ạch” trong giải ngân vốn ĐTC, số liệu của Bộ KHĐT cho thấy, có tới 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%), trong đó 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022. Đó là, Liên minh hợp tác xã Việt Nam (tỉ lệ chưa giải ngân còn tới 98,1%), Thanh tra Chính phủ (còn 84,9%), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,4%), TP.Đà Nẵng (91%)...
* Bộ Tài chính: Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến 31.3.2022 là 61.536,08 tỉ đồng, đạt 11,03% kế hoạch (đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; cùng kỳ năm 2021 đạt 11,95% kế hoạch và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 61.192,76 tỉ đồng (đạt 11,70% kế hoạch và đạt 12,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); vốn nước ngoài là 343,32 tỉ đồng (đạt 0,99% kế hoạch).
* Vụ KHĐT (Bộ GTVT): Theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã đăng ký, trong quý II/2022, khối lượng giải ngân ngành GTVT khoảng 11.140 tỉ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết quý II/2022 đạt khoảng 18.500 tỉ đồng, đạt gần 37% kế hoạch. Riêng tháng 4.2022, khối lượng giải ngân được đăng ký khoảng 3.720 tỉ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết tháng 4.2022 khoảng 11.120 tỉ đồng, đạt khoảng 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
* Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng: Đề nghị phê bình 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương đến ngày 30.3.2022 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao và 29 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Các bộ, địa phương này cần nghiêm túc tự kiểm điểm, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ có biện pháp xử lý phù hợp. L.V