11h20: Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động thay mặt Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn các đại biểu đã tham gia đóng góp trong buổi toạ đàm hôm nay.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam, thay mặt cán bộ, phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Chúc xin gửi lời chúc sức khỏe, lời chúc tốt đẹp nhất tới cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí Việt Nam.
11h06: Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc PVN - cho biết: Đã có nhiều trao đổi về nội dung liên quan đến ngành Dầu khí Việt Nam. Chúng ta có thể thừa nhận sự đóng góp của ngành Dầu khí trong 60 năm phát triển và trưởng thành. Đến bây giờ, chúng ta vẫn còn trăn trở về khai thác dầu khí. Chúng ta tìm ra rồi nhưng vẫn vướng, tìm ra rồi nhưng chưa khai thác được.
Cần xem xét đặt vấn đề, vướng ở đâu, tìm ra được chưa, tìm ra rồi sao chưa khai thác được? Tìm thấy tài nguyên đã khó, khi tìm được lại vướng. Sự vướng này dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư khiến nhiều nhà đầu tư không còn ở lại. Chúng ta vướng các khâu, các chuỗi dự án như các ý kiến đã trao đổi.
Đặc thù dầu khí lớn nhất là rủi ro. Từ rủi ro thì cần thiết cơ chế chính sách phù hợp. Ví dụ khi nhà đầu tư ký hợp đồng dầu khí, nhưng thời điểm đó nhà đầu tư chưa biết sẽ tìm ra dầu hay khí hoặc chưa tìm ra gì. Các dự án khác thì biết được rõ các quy trình, tổng mức đầu tư… Kể cả tìm thấy rồi cũng phải có một bước tiếp theo khó xác định…
Trong thu ngân sách Nhà nước, đối với dầu khí thì theo quy định của Luật dầu khí khác. Ví dụ như theo quy định Luật doanh nghiệp thì thu 22% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng với dầu khí thì chỉ mong được ưu đãi như Luật doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp dầu khí khá cao, ngoài ra còn có sắc thuế khác. Cũng chính vì vậy mà nguồn thu của nhà nước từ dầu khí chiếm tỉ lệ cao.
Thay mặt lãnh đạo dầu khí, chúng tôi rất mong có được ý kiến của chuyên gia, khoa học trong thời gian tới để giúp Dự thảo Luật dầu khí sửa đổi mang đặc thù dầu khí.
10h55: Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Tôi cũng may mắn khi được biết và được chia sẻ cùng các anh các chị trong ngành Dầu khí. Vì vậy, tôi xin phép trao đổi 2 vấn đề đầu tiên. Đó là bối cảnh chúng ta đặt ra để sửa luật này là năm 2000. Nhưng đến bây giờ là năm 2021, tình hình biến đổi rất là khác. Nếu chúng ta không đánh giá bối cảnh quốc tế thì chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề.
Vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh là 1 chương trình cả thế giới hồ hởi. Các nước khác thực hiện rất nhanh như là 1 tấm gương sáng thúc ép chúng ta phê duyệt tổng 48 sơ đồ. Nhưng chỉ có 4 tháng trở lại đây, chúng ta thấy giá năng lượng ở Châu Âu lên rất cao và thiệt hại đấy ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Vấn đề khi tạo ra luật này phải tạo ra những điều kiện để thực hiện những cam kết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các tổ chức quốc tế nhưng phải hài hòa được với lợi ích của người dân Việt Nam và lợi ích của doanh nghiệp.
Đất nước phát triển tiềm lực ở giai đoạn này thì chúng ta đặt ra những tiêu chí đừng có phức tạp quá để gây ra các chi phí về kinh tế rất lớn và cuối cùng là người sử dụng năng lượng phải chịu chi phí. Đấy là bài học chúng ta cân đối giữa năng lượng tái tạo năng lực truyền thống gồm có than, dầu khí… là những bước ta cần phải làm.
Chúng ta có thể thấy, hiện nay, trình độ khoa học công nghệ của ngành Dầu khí nói chung và của Tập đoàn Dầu khí nói riêng đã tiệm cận tới trình độ của khu vực và thế giới. Tiếp tục lại là những vấn đề hỗ trợ như thế nào cho ngành Dầu khí như ông Thập đã trao đổi, phải có quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm nhau trong các quy định đó.
Từ những vấn đề đó, tôi kiến nghị một số vấn đề thứ nhất về thăm dò và về kết thúc từng công đoạn trong thăm dò. Tôi nghĩ là trong luật sửa đổi 2008 và 2014 chúng ta đã đề cập đến, nhưng bây giờ công nghệ còn phát triển lên chúng ta phải chỉnh sửa phần về thăm dò và công đoạn trong thăm dò để nếu có thể kết thúc được thì kết thúc để tránh cho hạch toán để đỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vấn đề thứ 2 là về vấn đề làm hợp đồng các hợp đồng dầu khí. Như chúng ta đã thấy, có những hợp đồng đã bị kéo dài do bất khả kháng bởi tình hình quốc tế. Thời hạn hợp đồng quy định trong bình thường ở vùng nước nông nhưng ra vùng nước sâu thì hoàn toàn khác thì chúng ta có cần chia sẻ với họ không? Và trong thời hạn hợp đồng, tính pháp lý của hợp đồng, việc chuyển nhượng của hợp đồng và việc ưu đãi, giữ việc cho doanh nghiệp. Thì lúc đó, thuế ưu đãi cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư ở lĩnh vực đó như thế nào để chia sẻ với chúng ta.
Vấn đề tiếp theo là vấn đề về thuế chúng ta cần lưu ý đến thuế và phần lợi nhuận để thu được trong chuỗi sản xuất dầu khí. Thì chúng ta phải đặt vấn đề này trong bối cảnh luật mới. Thì cuối cùng về quản lý nhà nước chúng ta phải căn cứ lại có cần phải có 1 chương về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay không?
Và quan điểm của tôi là sửa luật này để làm sao một nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí chỉ cần đọc luật này là làm được.
10h46: Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - trao đổi: Ngành Dầu khí đang có nhiều vấn đề rất khó khăn tuy nhiên đóng góp của ngành với đất nước là rất lớn. Có thể nói, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nhiệm vụ rất lớn là được nhà nước trao cho quyền trong việc khai thác, thăm dò dầu khí.
Đứng ở góc độ Công đoàn, tôi thấy rằng, trong những năm vừa qua, ngành Dầu khí có sự đóng góp rất lớn là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển khi có 6 vạn người lao động, đặc biệt trên những giàn khoan và hàng hóa trên biển...
Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp rất cao - là 1 thành công của tập đoàn dầu khí, đáng để các đơn vị khác học tập.
Tôi mong muốn rằng, qua nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, luật mới này có sự thông thoáng hơn, tạo điều kiện hài hòa về mặt Nhà nước trong vấn đề thu thuế tài nguyên và thu thuế doanh nghiệp để tập đoàn đủ sức tự lực trong quá trình làm việc giống như ông Tùng đã nói khi nhiều thiết bị chúng ta vẫn phải đi thuê với giá không hề rẻ.
Chúng tôi rất mong muốn có sự tái đầu tư về công nghệ, chăm lo cho vấn đề đào tạo nhân lực của ngành để có điều kiện làm việc tốt hơn.
10h25: Bà Hoàng Thị Phượng - Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam - cho hay, các luật của chúng ta chưa hoàn hảo để thu hút đầu tư, một số luật còn nhiều vướng mắc. Từ đó, Chính phủ rất quan tâm và thay đổi, sửa đổi trong 5 năm một lần. Hoạt động dầu khí là đặc thù bởi lẽ không chỉ mỗi Luật Dầu khí điều chỉnh mà có nhiều luật khác chi phối hoạt động này.
Để lấy được đồng tiền trong nguồn vốn để tham gia đầu tư phải có những quy trình kiểm duyệt rất khắt khe. Qua trao đổi nhiều thì chúng tôi có một mong muốn, những đặc thù dầu khí nên chăng được quy định trong luật dầu khí. Việc quy định này không phải là xin cơ chế mà thể hiện trong quá trình triển khai sẽ thuận lợi hơn, trơn tru hơn mà không vướng, không trái với quy định của Việt Nam. Thực ra, chuỗi dự án khai thác dầu khí thì đơn giản nhưng khai thác khí phức tạp hơn. Khí không cất trữ vào tàu được, nên phải có sự đồng bộ từ khai thác, vận chuyển và phải có dây chuyền xuyên suốt.
Trong thời gian vừa qua, có những dự án tham gia chuỗi đó khá dài và có lợi ích khác nhau. Để có sự thống nhất để đàm phán mua được giá khí mua từ dầu mỏ cũng như giá khí bán cho người cuối cùng rất khó khăn. Có những dự án mà hàng chục năm chưa đi đến ký kết cuối cùng để đưa vào khai thác.
Mỗi một năm, nhà nước thu được từ hoạt động khai thác rất nhiều qua thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp... Nhìn chung nằm ở khoảng 40% - 50% doanh thu khai thác khí. Một năm chúng ta chậm khai thác tức là một năm chậm 50% doanh thu đó, như thế là thiệt cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế. Nên chăng, chúng ta đưa chương trình rút gọn hơn, đảm bảo tuân thủ như các quy định như của Luật xây dựng để sau này thuận tiện hơn, khuyến khích các nhà đầu tư.
Tập đoàn Dầu khí khi muốn tham gia vào khai thác thăm dò dầu khí vướng rất nhiều năm nay. Trước khi có Luật Đầu tư năm 2020 thì các dự án thăm dò dầu khí tại Việt Nam phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và quy trình cấp giấy chứng nhận phải tuân thủ theo Luật Đầu tư.
9h52: Ông Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội - cho biết, hàng năm khi chuẩn bị đưa ra những dự toán ngân sách nhà nước thì Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí để có đánh giá về sản lượng cũng như dự kiến nguồn thu ngân sách.
Cũng như ông Thập nói, sản lượng khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là trên 20 triệu tấn và tỉ lệ đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước từ 2 con số rất quan trọng. Chính vì vậy, ngoài báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng tổ chức nghiên cứu và theo dõi giá dầu thô trên thị trường thế giới để từ đó có cái nhìn khách quan về báo cáo của tập đoàn.
Theo ông Sơn, nguồn thu từ những mỏ đã khai khác đóng góp rất quan trọng cho ngân sách nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, luật sửa đổi lần này cần cụ thể hóa những chủ trương và chính sách để phù hợp với những thay đổi nhanh của thế giới cũng như khu vực và trong các lĩnh vực như địa chính trị và những vấn đề khác.
Cụ thể hóa được những chính sách để giúp ích chiến lược phát triển kinh tế biển và trữ lượng năng lượng quốc gia rồi những mục tiêu phát triển xanh.
9h42: Ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương - cho biết, hiện nay, Nghị định hướng dẫn luật đang làm song song dự kiến cuối tháng 11 sẽ trình Bộ Tư pháp.
Dầu khí là ngành đặc thù, công nghệ nguồn của các ngành nghề khác. Quy hoạch của ngành Dầu khí là để phát triển các ngành điện, công nghiệp phụ trợ, chế tạo… Luật Dầu khí ra đời năm 1993, ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988. Sau đó, luật được sửa đổi bổ sung vào năm 2000 và 2008.
Vì đặc thù hoạt động trên biển và tính chất dầu khí, chúng ta đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có quá nhiều đặc thù và quá nhiều rủi ro. Chúng ta đã chọn chia sản phẩm, khuyến khích đạt một hành lang pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài. Hành lang pháp lý công khai minh bạch để nhà thầu tìm kiếm thăm dò.
Các nhà đầu tư nước ngoài luôn cần hành lang pháp lý đủ, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho họ nhất. Ngoài ra, khi thăm dò cần có được quy trình nhanh nhất để đưa mỏ vào khai thác.
Sau khi Luật Dầu khí của 2008 sửa đổi bổ sung, từ năm 2009 đến 2015 có 40 hợp đồng dầu khí được ký mới. Trong khi đó, giai đoạn 2015 đến nay do ảnh hưởng của giá dầu nên chỉ được 30 hợp đồng.
Trong ngành Dầu khí, quá trình triển khai hợp đồng dầu khí giai đoạn tìm kiếm thăm dò tối thiểu phải mất 5 năm đến 10 năm. Có những hợp đồng phải 15 năm mới đưa được vào khai thác. Chính phủ, Bộ Công thương luôn ủng hộ tập đoàn, ủng hộ các nhà đầu tư dầu khí.
Trong 6 chính sách chủ đạo thì gia hạn hợp đồng dầu khí là quan trọng bởi lẽ thời gian tìm kiếm thăm dò dầu khí lâu hơn Nhà đầu tư cần điều kiện về mặt kinh tế như cơ chế ưu đãi đầu tư.
9h22: Ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - trước khi đi vào thảo luận về những chính sách, đã khái quát hiện trạng trong việc thăm dò và khai thác dầu khí trong suốt chiều dài 60 năm.
Hoạt động thăm dò, tìm kiếm dầu khí được sự hỗ trợ của Liên Xô và chúng ta đã phát hiện được khoảng 1,5 tỉ tấn dầu biển, trong đó dầu chiếm xấp xỉ 50% và khí là trên 50%. Đến nay, chúng ta đã khai thác được khoảng 48-50% trữ lượng đã phát hiện.
Cách đây nhiều năm, chúng ta đã dự báo được bức tranh trữ lượng đang giảm dần và làm sao để chống sự suy giảm thì phải đưa ra các công trình mới, mỏ mới vào khai thác trữ lượng còn lại đối với dầu ở mỏ cận biên và nằm ở khu phức tạp.
Chúng tôi cho rằng, tích cực nhất trong năm 2022 thì sản lượng giảm xuống ở mức phù hợp. Nhưng không tích cực thì sản lượng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 hoặc 2024 nếu như chúng ta không có những giải pháp cho vấn đề này.
Trong khi đó, về khí, chúng ta có tiềm lực khai thác. Chúng ta đã phát hiện, xác định trữ lượng nhưng chậm đưa các dự án khí vào thực hiện. Có rất nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân đó là nền kinh tế của chúng ta chưa đủ hấp thụ tận dụng.
Khi thực hiện triển khai dự án là 1 núi vấn đề liên quan tới công nghệ, đó là bao tiêu. Vậy ai bao tiêu? Với tiềm lực của chúng ta hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực và điều kiện bao tiêu được hay không?
Bên cạnh đó, lại là vấn đề ngoại tệ khi mua ở nước ngoài và bán trong nước lại là nội tệ. Việc chuyển đổi và bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ cũng là 1 vấn đề. Giá dầu, giá khí trên thị trường giảm trong những ngày gần đây đã chứng minh rằng phải có tầm nhìn dài hạn và phải có bài toán tổng thể.
8h58: Ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam - trình bày về đặc thù của hoạt động dầu khí (theo thông lệ quốc tế) trong sửa đổi Luật Dầu khí.
Theo đó, các sản phẩm gồm:
1. Đặc thù của hoạt động dầu khí (theo thông lệ quốc tế.
2. Luật Dầu khí của một số quốc gia với các đặc thù hoạt động dầu khí.
3. Sửa đổi Luật Dầu khí của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
4. Đặc thù cơ bản của hoạt động dầu khí: - Có nhiều đặc thù như Nhà nước sở hữu tài nguyên dầu khí (cấp phép/ ký kết hoạt động dầu khí với nhà thầu (NOCs/IOCs) - Nhà thầu được phép thu hồi toàn bộ chi phí; Nước chủ nhà được chia dầu khí lãi, ưu tiên tham gia trong hoạt động dầu khí. - Rủi ro cao trong hoạt động TKTD và PTKT, đặc biệt trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò, cần ưu đãi đầu tư. - Các dự án dầu khí rất đa dạng về quy mô, điều kiện khai thác và tính hiệu quả, cần cơ chế khác nhau.
5. Nhà nước sở hữu tài nguyên dầu khí và cấp phép/ký kết hoạt động dầu khí với nhà đầu tư (NOCs/IOCs) theo thông lệ quốc tế.
6. Nhà thầu được phép thu hồi chi phí, nước chủ nhà được ưu tiên tham gia, được chia dầu khí lãi theo hợp đồng dầu khí. Trong đó, nhà thầu tham gia ngay từ khi ký kết hợp động dầu khí và chịu rủi ro khi không có phát hiện thương mại. Thu hồi chi phí tính cho toàn bộ chi phí có thể thu hồi, dựa trên tỉ lệ % doanh thu. Về dòng tiền của dự án được xác định theo từng chủ thể.
7. Rủi ro trong hoạt động dầu khí.
8. Quản lý nhà nước về dầu khí trên thế giới được thực hiện theo 04 mô hình chính gồm: Luật dầu khí trao quyền cho Công ty dầu khí Quốc gia sở hữu về dầu khí; NOC đồng thời tham gia thực hiện vai trò quản lý nhà nước về dầu khí đồng thời đóng vai trò nhà đầu tư/điều hành hoạt động dầu khí; Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. NOC đóng vai trò độc lập, chỉ thực hiện chức năng của nhà đầu tư; Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước thực thi chính sách và quản lý, giám sát chuyên môn/kỹ thuật đối với hoạt động dầu khí.
9. Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí được trao quyền phê duyệt đối với đa số các hoạt động TDKT dầu khí.
10. Quyền ưu tiên tham gia của nước chủ nhà trong hợp đồng dầu khí. Nước chủ nhà có tham gia hay không kể từ khi nhà thầu tuyên bố Phát hiện thương mại đầu tiên.
11. Trong điều kiện thị trường biến động, tài nguyên dầu hạn chế, có nhiều thay đổi các định chế tài chính theo hướng ưu đãi.
12. Khuyến khích ưu đãi đầu tư trong điều kiện có rủi ro…
Dự thảo Luật về cơ bản đảm bảo quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà, nhà đầu tư, tiệm cận với thông lệ dầu khí quốc tế. Dự thảo có một bố cục đầy đủ các nội dung quy định về pháp lý của các bên tham gia trong hoạt động dầu khí (nước chủ nhà, nhà thầu, NOCs). Mở rộng thẩm quyền của MOIT và PVN đối với hoạt động dầu khí. Bổ sung nguyên tắc xác định các lô/mỏ khuyến khích các điều kiện ưu đãi/ đặc biệt ưu đãi. Bổ sung thêm quy định về tiếp nhận mỏ cụm mỏ từ nhà thầu và tiếp tục triển khai theo hình thức hợp đồng dầu khí mới.
8h45: Theo ông Trần Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để có được thành tựu, kết quả đáng tự hào từ khi hình thành cho đến sự phát triển như hôm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có sự đùm bọc của nhân dân ở các địa phương - nơi có hoạt động dầu khí. Cùng với đó là các chủ trương quyết sách của Đảng và nhà nước trong những thời điểm khác nhau giúp cho sự phát triển ngành Dầu khí.
Ngoài ra, còn yếu tố không thể không nhắc tới - đó là niềm tự hào của những người lao động Dầu khí, là tầm nhìn thiên tài, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hơn 60 năm trước Người đã hình dung Việt Nam muốn trở lên giàu mạnh cần phải phát triển ngành Dầu khí.
Năm 1957 - 1959 sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chuyến công tác tới các nước Đông Âu, Liên Xô để cảm ơn bè bạn quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình kháng chiến cứu nước. Trong những chuyến công tác đó, Người đều giành sự quan tâm đặc biệt tới ngành công nghiệp dầu khí nhằm tìm hiểu khảo sát, đánh giá. Trong các chuyến công tác đó, Bác Hồ đã đặt vấn đề sau này khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Cộng hòa Azerbaijan nói riêng hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành Dầu khí.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà Đặng Thị Xuân Phương - nhân viên sứ quán tại Liên Xô đang làm phiên dịch cho Bác Hồ trong thời gian Bác có chuyến công tác tại Đông Âu - cho biết. Trên chuyến bay tới khu công nghiệp dầu mỏ Baku ở nước Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên Xô cũ, Bác đã nói rằng: “Nước nào mà có được dầu là giàu lắm đấy”. "Lời nói này đã trở thành mục tiêu và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người lao động trong ngành Dầu khí. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở với nhau cố gắng thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng ngành công nghiệp dầu khí vững mạnh" - ông Dũng nói.
8h38: Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN - cho biết: "Những năm qua đặc biệt là năm 2020, khủng hoảng kép do dịch bệnh COVID-19 và giá dầu suy giảm đã tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, trong đó Dầu khí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh hàng loạt các công ty dầu khí lớn trên thế giới đã thua lỗ, phá sản, sa thải công nhân… thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng trưởng dương và 10 tháng đầu năm 2021 với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị, điều hành, khoa học công nghệ, Petrovietnam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đó là sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, người lao động Dầu khí.
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23 tháng 7 năm 2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 về yêu cầu: “Hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, trong đó quy định rõ về hoạt động dầu khí… phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về dầu khí; tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí; xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để phát triển ngành Dầu khí; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước tại những vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm”; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, nêu rõ việc cần thiết phải: “Hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí”.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu: “Sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…”; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, cụ thể: “Về dầu khí: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách đối với ngành Dầu khí để đề xuất với Chính phủ các nội dung sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển từ khâu thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn”.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo nêu trên, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan rà soát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật và tổng kết thi hành Luật Dầu khí ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, gồm các nội dung chính: Đánh giá quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về dầu khí và thực trạng hoạt động dầu khí từ năm 1993 đến nay; Đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn thi hành, và đề xuất xây dựng dự án Luật Dầu khí thay thế Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 (sau đây gọi tắt là Luật Dầu khí sửa đổi) và ngày 23.9.2021 Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, Dự thảo Tờ trình Chính phủ đã được đã đăng tải trên website của Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi theo quy định. Với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở sáu (06) nhóm chính sách lớn mà Bộ Công Thương trình Chính phủ tại Tờ trình số 9601/TTr-BCT ngày 14.12.2020 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (thay thế Luật Dầu khí 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008), trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19.10.2021 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.
Nguyên tắc đặt ra là: Các nội dung Luật pháp về Dầu khí giúp cho hoạt động Dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành Dầu khí theo thông lệ Quốc tế.
8h30: Điều hành buổi tọa đàm: Ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc PVN; ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động.
Các đại biểu khách mời gồm: Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam; ông Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội; ông Trần Quang Dũng - Trưởng Ban Truyền thông văn hóa doanh nghiệp PVN; ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam; ông Vũ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí; bà Hoàng Thị Phượng - Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam…
Mở đầu buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động - cho hay: Như chúng ta đã biết sau khi xem xét Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi (thay thế Luật Dầu khí 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008) và trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành; nhằm đảm bảo tính logic, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi và thiết lập khung pháp lý phù hợp để thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí, khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài…. đã cho thấy Dự thảo Luật còn có nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang gặp phải trong quá trình triển khai các dự án dầu khí; đồng thời xây dựng môi trường pháp lý về dầu khí công khai, minh bạch và hiệu quả là mục đích chính của buổi Tọa đàm trực tuyến “Luật Dầu khí cần mang đặc thù Dầu khí”.
* Sáng nay (9.11), Báo Lao Động và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp đang tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Luật Dầu khí cần mang đặc thù Dầu khí”.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho ngân sách, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên Biển Đông.
Buổi tọa đàm “Luật Dầu khí cần mang đặc thù Dầu khí” mong muốn được đón nhận nhiều ý kiến, quan điểm xây dựng của các nhà khoa học, các chuyên gia về tính đặc thù của hoạt động dầu khí trong quá trình xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi; Vị trí, chức năng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quản lý các hoạt động Dầu khí.