75 năm bảo vệ “rừng vàng”

Khánh Vũ |

75 năm qua, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ buổi đầu thành lập nước, Đảng và Chính phủ đã đề cao việc bảo vệ, phát triển rừng. Tết trồng cây được Bác Hồ phát động là một trong những phong trào hiệu quả để phát triển rừng trong nhiều thập niên qua.

Chặng đường bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng

Cách đây 75 năm, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 1.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 69 thành lập Bộ Canh Nông. Cũng trong ngày này, Bộ Canh Nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh Nông, trong đó quy định nhiệm vụ của Nha Lâm chính "Làm các việc hành chính và chuyên môn về rừng rú và săn bắn" - đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hình thành của ngành Lâm nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngày 12.3.1954, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 366/TTg quy định việc trồng cây gây rừng, chính sách sử dụng đất công thổ vào mục đích trồng cây gây rừng, chính sách sử dụng đất công thổ vào mục đích trồng rừng và chính sách hưởng lợi “Ai gây rừng thì được quyền hưởng hoa lợi về cây cối đã trồng”... Giai đoạn 1955-1975, quan điểm, định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn này được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam lần thứ 14, Khóa II ngày 27.11.1958 là “Phải có những quy định toàn diện về bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, khai thác rừng... Ngành Lâm nghiệp cần kết hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như Quốc phòng, Thủy lợi, Giao thông, Bưu điện... để tiến hành điều tra rừng, xây dựng quy hoạch toàn diện về kinh doanh, quản lý rừng”...

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), thực hiện lời dạy của Bác Hồ “vì lợi ích mười năm trồng cây”, để chỉ đạo nhân dân thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, ngày 12.12.1959, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 443-TTg về việc tổ chức Tết trồng cây năm 1960, nêu rõ các nội dung về nhận thức tư tưởng, công tác tổ chức và lãnh đạo cần phải làm để thực hiện kết quả Tết trồng cây lần thứ nhất, bắt đầu từ ngày 6.1.1960 đến ngày 6.2.1960. Ngoài 130 triệu cây đã ghi trong kế hoạch trồng cây gây rừng năm 1960, Chỉ thị giao: “Tổng số cây trồng riêng cho Tết trồng cây năm 1960 là 15 triệu cây”, bao gồm các loại cây lấy gỗ, cây lấy củi, cây cho dầu nhựa, cây lấy sợi, cây ăn quả lâu năm, cây có bóng mát, cây phòng hộ trang trí (Thủ tướng Chính phủ, 1959)... Mùa xuân 1960, nhân dân cả nước đã phấn khởi thực hiện Tết trồng cây do Bác Hồ phát động và tại Hà Nội, Tết trồng cây đầu tiên được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. Tại đây, ngày 11.1.1960, Bác Hồ đã trồng cây đa, mở đầu Tết trồng cây đầu tiên và nhân rộng phong trào trong các xí nghiệp, ban, ngành và nhân dân cả nước.

Trong Tết trồng cây này, riêng khu sông Nhuệ ở Hà Nội đã trồng được 120.000 cây, các địa phương khác như Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Khu tự trị Tây Bắc đã trồng được hàng triệu cây và chuẩn bị được nhiều vườn ươm, hạt giống để thực hiện Tết trồng cây. "Tết Kỷ Dậu năm 1969, Bác Hồ đã đi trồng cây ở xã Vật Lại (Ba Vì-Hà Tây cũ). Đây là cây đa cuối cùng Người đã trồng trước khi vĩnh biệt đi xa” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn chùng giọng chia sẻ.

Theo Bộ NNPTNT, giai đoạn 1976-1995, cả nước khôi phục sản xuất sau chiến tranh, thời kỳ này, diện tích rừng đã giảm thấp nhất trong lịch sử. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo chủ trương đổi mới quản lý ngành Lâm nghiệp, đa dạng hóa các thành phần kinh tế để tập trung khôi phục trồng rừng.

Từ khi đổi mới đến nay, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngành Lâm nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỉ USD; năm 2020 dự kiến đạt 13 tỉ USD, chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước và chiếm trên 26% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 Châu Á và đứng thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Diện tích rừng cả nước về cơ bản đã tăng đều qua các năm và đạt tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc 42% vào năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu cơ bản được Nghị quyết của Đảng xác định. Việt Nam là một trong số rất ít nước có tốc độ tăng diện tích rừng ổn định và nhanh trên thế giới. Đóng cửa khai thác gỗ toàn bộ 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng rừng, hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 4,6 triệu ha" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ.

Lợi ích kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường sống

Tết trồng cây mà Bác Hồ phát động là một sáng kiến to lớn, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, trở thành một phong trào sâu rộng thực sự đi vào cuộc sống và cùng với thời gian đã hình thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta và có thể kéo dài hàng trăm năm sau nữa. Trải qua hơn nửa thế kỷ thực hiện Tết trồng cây, nhân dân ta đã tạo thêm màu xanh bao la theo chiều dài đất nước. Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát riển rừng (BVPTR) giai đoạn 2011-2020, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, hàng năm cả nước trồng trên 50 triệu cây phân tán. Tết trồng cây phân tán đã trồng được hơn 2 tỉ cây xanh ổn định trên khắp các làng mạc, thành phố, tạo thêm màu xanh, cải thiện môi trường sống và tạo nguồn cung cấp gỗ, lâm sản cho nhu cầu của nhân dân cả nước.

“Từ 1986 đến nay, không chỉ diện tích rừng tăng, nâng tỉ lệ che phủ rừng, mà chất lượng rừng cũng được cải thiện rõ rệt qua trữ lượng rừng. Từ trữ lượng rừng trồng tăng từ 14 triệu mét khối gỗ vào năm 1995 lên 259,2 triệu mét khối gỗ vào năm 2020, gấp 18,5 lần mà chủ yếu rừng trồng sản xuất là một trong những kết quả ấn tượng nhất trong 20 năm qua” - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị phấn khởi thông tin.

Phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng - khát vọng đổi mới và tăng trưởng

Theo Bộ NNPTNT, từ năm 2019, diện tích rừng cả nước là 14.609.220ha với tỉ lệ che phủ là 41,89%, bao gồm rừng tự nhiên là 10.292.434ha; rừng trồng là 4.316.786ha. Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp cũng chua chát thừa nhận: Trong tổng số đó, có tới 35% diện tích là rừng nghèo kiệt. Diện tích đất rừng chưa sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả lên tới 2.993.692ha đang được giao cho UBND cấp xã quản lý, sẽ tiếp tục được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để tất cả diện tích rừng đều có chủ hoặc cho thuê sử dụng có hiệu quả; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, đảm bảo đủ điều kiện và nguồn lực để tổ chức quản lý bảo vệ rừng và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển với khí thế và nguồn lực dồi dào hơn bao giờ hết. Ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng ở 42%; tập trung nuôi dưỡng, phục hồi làm giàu rừng tự nhiên, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng tăng 20% vào năm 2025, 40% vào năm 2030 so với hiện nay; đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ lâm sản khoảng 40 triệu mét khối vào năm 2025, 50 triệu mét khối vào năm 2030, chủ động cho công nghiệp chế biến gỗ lâm sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 20 tỉ USD vào năm 2025 và 25 tỉ USD vào năm 2030.

Khánh Vũ
TIN LIÊN QUAN

Kiểm lâm Hà Nội phối hợp công an xử lý hoạt động buôn bán khỉ

ĐÌNH TRƯỜNG - CHU LINH |

Liên quan đến loạt bài phản ánh hoạt động buôn bán động vật hoang dã diễn ra tràn lan, thậm chí các giao dịch diễn ra ngay giữa Thủ đô, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết đang phối hợp với công an để xử lý.

Sự hy sinh dũng cảm của các cán bộ, chiến sĩ để lại tấm gương sáng

Nhóm phóng viên |

"Tinh thần quả cảm, sự hy sinh dũng cảm của các đồng chí đã để lại tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân noi theo...", Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ghi trong sổ tang tại lễ viếng 13 chiến sĩ, cán bộ hy sinh tại khu vực Trạm Kiểm lâm 67.

Tây Nguyên, máu kiểm lâm vẫn đổ

Hữu Long - Vũ Long |

Khắp Tây Nguyên, câu chuyện lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng xảy ra ngày càng nhiều với chiều hướng phức tạp. Lâm tặc hành hung kiểm lâm bởi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, kiểm lâm dù được trang bị công cụ hỗ trợ nhưng thực chất là vẫn “tay không bắt giặc” vì lo ngại các rủi ro pháp lý xảy ra.

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.

Chậm trễ xử lý xưởng trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý

TRUNG DU |

Thái Bình - Công tác xử lý vi phạm tại cơ sở tái chế phế liệu trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý ở huyện Vũ Thư chưa nghiêm túc.

Man United hòa Aston Villa, Erik ten Hag nguy cơ rời Old Trafford

Nhóm PV |

Tối 6.10 (giờ Việt Nam), Man United đã chia điểm Aston Villa tại vòng 7 Premier League.

Chiêu thức bán hàng có dấu hiệu nhập lậu trên mạng

Anh Tuấn |

Quản lý thị trường vừa tạm giữ lô nước hoa nghi nhập lậu, rao bán thường xuyên trên tài khoản Tiktoker Phan Thủy Tiên.

Nút thắt cổ chai gây ùn tắc trên đường Nguyễn Tuân

NGỌC THÙY |

Đường Nguyễn Tuân dài 720m, có diện tích lòng đường nhỏ hẹp, hiện tồn tại một “nút thắt cổ chai” gây ùn tắc giao thông thường xuyên.