Ba gương mặt trẻ của ‘‘Chắp cánh ước mơ’’ 2021

LÊ QUANG VINH |

Năm học 2021-2022, trong số 6 tân sinh viên được nhận học bổng ''Chắp cánh ước mơ’’ của Đại học RMIT có 3 trường hợp đặc biệt: Đỗ Thị Hằng, Đào Thuỳ Linh và Trần Văn Báu. Trong đó, một trường hợp mồ côi từ nhỏ, sống tự lập trong nhiều năm và 2 trường hợp bị hạn chế về thị lực. Ba tân sinh viên này đều có gia cảnh nghèo, nhưng rất nỗ lực trong học tập và hoạt động xã hội. Từ nay, họ đã có cơ hội hiện thực hóa những ước mơ...

Đỗ Thị Hằng: Tôi mồ côi, nhưng không phải là một cô bé đáng thương

Quê ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sinh năm 2001, Đỗ Thị Hằng đã sớm phải chịu cảnh sống vất vả: Bố mất khi cô mới 11 tháng tuổi. Từ năm lớp 7, cô gái nhỏ nhắn này sống một mình suốt 4 năm ròng trước khi dọn về ở với bà nội và hai người chú - vốn là nạn nhân chất độc da cam, vì ngôi nhà em ở đã quá xuống cấp. Trước đó, cũng do bà nội quá nghèo, nên bà chỉ có thể thỉnh thoảng gửi cho cháu gái ít gạo ăn tạm. Với Hằng, đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn.

Hồi đó, Hằng phải tìm việc làm bán thời gian, bảy giờ mỗi ngày, ở một xưởng may nhỏ với thu nhập chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng, nên sống rất chật vật. Đó cũng chính là khoảng thời gian mà Hằng nhận ra tầm quan trọng của giáo dục với cuộc sống của một người. “Chứng kiến các cô chú làm chung xưởng may, trong đó có một số người chưa tốt nghiệp phổ thông, nên phải làm công việc có thu nhập vô cùng ít ỏi như thế, tôi thấy phải nỗ lực thật nhiều để có được tương lai tươi sáng hơn. Tôi mồ côi, nhưng không phải là một cô bé đáng thương” - Hằng tâm sự. Với tâm niệm như thế, Hằng đã chủ động tham gia nhiều hoạt động trong suốt thời học THPT như làm lớp trưởng, liên đội trưởng, Ban chấp hành Đoàn trường, tình nguyện viên chương trình ''Tiếp sức mùa thi’’.

Sau đó, khi được Quỹ Khát vọng - gia đình của hơn 300 trẻ mồ côi trên khắp đất nước - giúp đỡ, Hằng ra Hà Nội ở nhà của quỹ và được hỗ trợ học nghề tại Tổ chức REACH (một trung tâm tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam). “Chúng tôi biết đến Hằng vào năm con học lớp 10. Lúc đó, Hằng sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, tuy cũ kỹ, nhưng ngăn nắp và sạch sẽ. Tài sản duy nhất là chiếc giường nhỏ và chiếc xe đạp cũ để vượt 16 cây số đến trường” - bà Vũ Thị Dung (nhà sáng lập và điều hành Quỹ Khát Vọng) hồi nhớ.

Bà Dung chia sẻ: “Vẻ ngoài giàu tình cảm, nhưng sâu thẳm bên trong Hằng là một cô gái có ý chí mãnh liệt, cùng khát khao sống và thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Ở Khát Vọng, mọi người đều quý mến Hằng vì tính tình vui vẻ, nhiệt tình, giàu năng lượng, và không sợ bất kỳ khó khăn, thách thức nào”. Còn với Hằng, “thời gian đầu về với gia đình Khát Vọng, tôi rất cảm động khi nhận được tình thương từ mẹ Dung. Do vậy, tôi muốn đền đáp tình cảm đó bằng cách tình nguyện chăm sóc và san sẻ tình cảm với các em nhỏ mồ côi khác ở Khát Vọng”. Hằng rất vui khi thấy các em nhỏ dần bớt e dè và tự tin hơn.

Dẫu khát khao học đại học sau khi hoàn thành học phổ thông, Hằng vẫn quyết định học nghề tại REACH để đỡ đần bà nội và chăm sóc các chú - những người thường xuyên bị các cơn co giật hành hạ. Hằng cho biết: “Đó là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn, vì tôi vừa làm vừa học bán thời gian, song cũng chính khoảng thời gian này đã dạy tôi trở thành một người kiên định và khiêm tốn, và một nhân viên lành nghề. Càng học và làm việc nhiều, tôi càng yêu công việc trong ngành nhà hàng - khách sạn và mong muốn được dành toàn bộ thời gian cũng như đam mê cho điều này”.

Giờ đây, Đỗ Thị Hằng ắp đầy niềm vui khi được nhận Học bổng ''Chắp cánh ước mơ’’ của Đại học RMIT. Cô cho biết: “Với môi trường quốc tế, chất lượng bảo chứng hàng đầu trong đào tạo Quản trị du lịch và khách sạn, tôi thấy được cơ hội phát triển toàn diện cũng như nâng cao khả năng lãnh đạo cho bản thân trong môi trường phong phú đa dạng tại RMIT”. Với phương châm sống: “Hãy làm việc chăm chỉ khi bạn còn trẻ”, hy vọng Hằng sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả tốt.

Đào Thùy Linh: Ánh sáng cuộc đời lan tỏa từ những điều nhỏ

Đào Thùy Linh. Ảnh: NVCC
Đào Thùy Linh. Ảnh: NVCC

Tân sinh viên ngành Truyền thông (truyền thông chuyên nghiệp) Đại học RMIT Đào Thuỳ Linh mơ ước trở thành một nhà hoạt động xã hội với mong muốn thay đổi định kiến của xã hội về người khuyết tật, như câu nói mà Linh hằng yêu thích, của Linda Staten: “Sẽ luôn có những ước mơ, hoặc hùng vĩ hơn, hoặc khiêm nhường hơn ước mơ của chính bạn, nhưng sẽ không bao giờ có một ước mơ hệt như ước mơ của riêng bạn... vì bạn là duy nhất và kỳ diệu hơn bạn biết”.

Thùy Linh cùng năm sinh như Đỗ Thị Hằng, quê ở Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Thùy Linh chia sẻ về lần đầu cô nhận ra sự phân biệt đối xử mà người khuyết tật phải đối mặt và mong muốn phải thay đổi điều đó: “Tôi bị ung thư mắt lúc mới chào đời và phải múc bỏ mắt để bảo toàn tính mạng. Dẫu theo học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - dành cho học sinh khiếm thị, tôi vẫn thấy rụt rè vì vẻ bề ngoài cũng như khuyết tật của bản thân. Tôi thường bị cho ''ra rìa’’ ở một số hoạt động tập thể và điều này khiến tôi thấy rất tệ. May mắn là vẫn còn những thầy cô tử tế đã giúp tôi nhận ra rằng người khuyết tật có thể làm bất kỳ điều gì nếu họ được tạo cơ hội và điều kiện thích hợp”.

Tới năm 17 tuổi, Linh quyết định thực hiện một hành động nhỏ, nhưng tạo được tác động xã hội đầu tiên bằng cách xin chuyển qua học ở trường THPT Cổ Loa - nơi chưa từng nhận học sinh khiếm thị bao giờ. Linh đã chủ động chia sẻ cách học cũng như nhu cầu của bản thân cho giáo viên để tìm ra giải pháp chung trong việc giảng dạy cho học sinh khiếm thị. Và rồi, Thùy Linh đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập cũng như trong các hoạt động khác. Cô từng làm diễn giả tại một sự kiện của trường để chia sẻ về cách học và ước mơ trở thành nhà hoạt động xã hội của bản thân, được mọi người nồng nhiệt đón nhận. Sự dũng cảm và quyết tâm của cô gái trẻ Thùy Linh đã góp phần giúp trường Cổ Loa tự tin đón thêm học sinh khiếm thị tới học tập.

“Tôi may mắn có được nhóm bạn thân và gia đình yêu thương, luôn ủng hộ các sáng kiến của tôi và khuyến khích thực hiện” - Linh tự hào chia sẻ về mạng lưới hỗ trợ của cô, trong đó có sự tham gia của Nghiêm Thu Loan - sinh viên được nhận Học bổng ''Chắp cánh ước mơ’’ Đại học RMIT năm 2019. Linh và nhóm bạn đã lập nên ''Step Club - Hành động vì người khiếm thị’’, đã tổ chức được hơn 10 cuộc thi và các lớp học cho người khiếm thị trên toàn quốc. Cuộc thi gần đây nhất đã chạm mốc hơn 10.000 lượt tương tác trên Facebook. Thùy Linh đang tiếp tục phương châm hành động của bản thân “thực hiện từng bước nhỏ đều đặn và liên tục” để có thêm những thành công...

Trần Văn Báu: Khuyết tật chỉ bất tiện, chứ không bất hạnh

Trần Văn Báu. Ảnh: NVCC
Trần Văn Báu. Ảnh: NVCC

Trần Văn Báu sinh năm 1998, quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Khó thể tưởng tượng nổi, một người bị khiếm thị bẩm sinh như Văn Báu, nay là tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Đại học RMIT, đã phải xa gia đình khi mới có 9 tuổi, vào tận Bình Dương để đi học tại Hội Người mù của tỉnh. Năm 2014, Văn Báu được giới thiệu vào Mái ấm Thiên Ân ở TP.Hồ Chí Minh học sử dụng vi tính và định hướng di chuyển, đồng thời học hòa nhập tại một trường phổ thông cùng các học sinh sáng mắt. “Ngoài việc học chính khoá, tôi còn được tiếp cận với công nghệ thông tin, các lớp học ngoại ngữ, cũng như các lớp học kỹ năng sống và kỹ năng mềm. Suốt nhiều năm, tôi đã có thể tự đi từ mái ấm đến các nơi bằng xe buýt công cộng” - Văn Báu hồi tưởng.

Năm 2018, Văn Báu và bạn thân của mình đã thực hiện dự án “Dạy để chia sẻ, cho bạn ngày mai” - là một trong những dự án nhận được sự hướng dẫn của UNICEF cộng tác cùng Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh (SIHUB) thông qua chương trình ''Thế hệ không giới hạn năm 2018 - 2019”. Văn Báu cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện những buổi hướng dẫn chia sẻ và hoạt động cho các bạn trẻ, giúp các bạn giảm thời gian ngồi trước màn hình và trân quý những điều bình thường trong cuộc sống”. Đó cũng là lúc Báu nhận ra rằng “khuyết tật thật ra chỉ bất tiện, chứ không bất hạnh”.

Văn Báu chia sẻ: “Trước đây, tôi khá bối rối vì không biết làm gì để không thành gánh nặng cho gia đình và xã hội...’’. Qua những năm tháng, bên cạnh việc nỗ lực học hành, Văn Báu đã luôn cố gắng vượt lên số phận với niềm tin “nếu bạn nỗ lực hết sức, sẽ luôn có cơ hội dành cho bạn”. Hiện tại, với học bổng vào RMIT, Báu vô cùng háo hức mong được tích lũy kiến thức và kỹ năng mới để có thể chuyển ngữ các nguồn tài liệu quý báu sang tiếng Việt, nhằm giúp mọi người, nhất là người khiếm thị, tiếp cận với những thông tin bổ ích. Có một điều thú vị hơn ở chàng trai trẻ này là Báu còn có tài chơi guitar và sáo trúc, đã đạt thành tích cao ở một số cuộc thi dành cho người khiếm thị như chơi cờ domino, thi hát và thi đấu Judo.

Học bổng ''Chắp cánh ước mơ’’ Đại học RMIT (với sự hợp tác với 4 tổ chức phi chính phủ: REACH, KOTO, Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm Vì người mù Sao Mai) trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cả về thể chất lẫn tài chính - những bạn trẻ nếu không có các suất học bổng này sẽ không thể tiếp cận với chương trình đại học. Đến nay, RMIT Việt Nam đã trao 22 suất Học bổng ''Chắp cánh ước mơ’’ với tổng trị giá hơn 36 tỉ đồng.

LÊ QUANG VINH
TIN LIÊN QUAN

Vingroup trao 40 tỉ đồng học bổng đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ

Minh Anh |

Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) vừa trao tặng 300 suất học bổng, tổng giá trị 40 tỉ đồng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc thuộc 13 khối ngành. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Vingroup trao học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao cho đất nước.

4 thí sinh tham gia chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” 2021 được trao học bổng từ Swinburne Việt Nam

PV |

Tạo thêm cơ hội trải nghiệm chương trình học tập quốc tế ngay trong nước cho các thí sinh tham gia chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 21, Swinburne Việt Nam đã trao bốn suất học bổng cho bốn thí sinh tham gia vòng chung kết năm.

CĐ Công an TP.Hồ Chí Minh trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con đoàn viên

Cao Huy |

TP.Hồ Chí Minh - Công đoàn Công an TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức tuyên dương, trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh năm học 2020-2021 kết hợp sơ kết, khen thưởng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tặng 441 suất học bổng cho con đoàn viên lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Hồng Điệp |

Bình Thuận - Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận vừa phối hợp với Hội khuyến học tỉnh triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ cho con đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19”.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng hỗ trợ 30 tỉ đồng học bổng cho sinh viên

Nam Dương |

TPHCM - Sáng 12.11, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2021 -2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.

Người dân TPHCM chật vật lội nước, xe cộ “chôn chân” sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

TPHCM - Tối 7.10, cơn mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, khiến người dân chật vật lội nước và kẹt xe về nhà.

Chủ quán cafe ở Thái Bình "choáng" vì hóa đơn nước quá cao

TRUNG DU |

Thái Bình - Chủ quán kinh doanh cafe tại TP Thái Bình gửi đơn khiếu nại đến công ty nước sạch vì hóa đơn tiền nước liên tục tăng cao bất thường theo thời gian.