Cân bằng đang trở lại

Thanh Hà |

COVID-19 khiến cả thế giới bất ngờ. Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch ngày 11.3.2020, ít người nghĩ rằng dịch bệnh sẽ dẫn tới 2 năm ngừng hoạt động, giãn cách xã hội và gián đoạn toàn cầu. Khi thế giới tiếp tục vật lộn vượt qua COVID-19 cũng như tác động của đại dịch, các chuyên gia hy vọng kinh nghiệm 2 năm qua có thể giúp nhân loại chuẩn bị cho năm thứ 3 của đại dịch trong tâm thế ổn định hơn.

Tập trung vào thuốc điều trị

Năm 2022, nhân loại sẽ ít đề cập hơn về giãn cách xã hội mà thay vào đó tập trung nhiều vào thuốc điều trị COVID-19, Politico dự đoán. Năm mới sẽ mang lại những tiến bộ mới trong phương pháp điều trị COVID-19. Dù không ngăn chặn sự lây lan hoặc làm phẳng đường cong dịch nhưng thuốc điều trị có thể giúp giảm tỉ lệ tử vong do lây nhiễm.

Trong năm mới, các quốc gia giàu sẽ tập trung nhiều hơn vào các phương pháp điều trị kháng thể cho những người mắc COVID-19. Những thuốc kháng virus dạng viên, được kỳ vọng trở thành "bom tấn" trong năm 2022, đưa COVID-19 thành căn bệnh có thể chữa khỏi. Những ngày cuối năm 2021, Mỹ phê duyệt 2 loại thuốc kháng virus của Pfizer và Merck/Ridgeback Biotherapeutics.

Tương tự, cây viết Natasha Loder của The Economist cho rằng, phương pháp điều trị kháng thể và kháng virus mới cũng như vaccine tốt hơn đang được triển khai. Ở những quốc gia tiêm chủng hiệu quả, năm thứ 3 của đại dịch sẽ tốt hơn năm thứ 2, và COVID-19 sẽ ít ảnh hưởng hơn đến sức khỏe và những hoạt động thường ngày. Vaccine góp phần suy yếu mối liên hệ giữa các ca mắc bệnh và tử vong ở một số quốc gia, như Anh và Israel. Nhưng ở những quốc gia nghèo hơn, ít được tiêm chủng đầy đủ, tác động có hại của virus được dự báo kéo dài.

Dù nguồn cung vaccine COVID-19 tăng vọt vào quý cuối cùng của năm 2021, nhiều quốc gia vẫn sẽ chưa đạt mức tiêm chủng cần thiết trong phần lớn năm 2022 do khó khăn về phân phối và do dự vaccine. Điều này sẽ dẫn tới tỉ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn cùng với đó là phục hồi kinh tế yếu hơn.

Tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 được dự báo rộng rãi hơn trong năm 2022 khi các quốc gia phát triển hiểu hơn về thời điểm cần tiêm nhắc lại, nhà phát minh ra vaccine rubella Stanley Plotkin từ Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho hay. Ông cũng cho rằng, các biến thể mới sẽ thúc đẩy việc tiếp nhận tiêm nhắc lại. Ở một số quốc gia, tiêm chủng cho trẻ em cũng sẽ được mở rộng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Khả năng miễn dịch và các phương pháp điều trị có thể đủ rộng rãi vào giữa năm 2022 để giảm số ca bệnh và giảm nguy cơ mắc các biến thể mới. Dù các loại vaccine hiện có có thể ngăn chặn virus nhưng vaccine mới để giảm lây truyền sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2022. Moderna đang nghiên cứu loại vaccine “đa trị” bảo vệ khỏi nhiều hơn một biến thể virus gây dịch COVID-19.

Những cải tiến khác với vaccine COVID-19 dự kiến gồm công thức đông khô vaccine mRNA,  các loại vaccine được đưa vào cơ thể qua da hoặc đường hô hấp. Khi nguồn cung vaccine tăng lên trong năm 2022, những vaccine dựa trên mRNA sẽ ngày càng được ưa chuộng hơn vì mang lại mức độ bảo vệ cao hơn.

Có thể thấy, năm 2021 ghi nhận thành công ở số lượng chưa từng thấy người đã tiêm chủng và ở mỗi giai đoạn lây nhiễm bệnh, từ triệu chứng nhẹ tới chăm sóc đặc biệt, các loại thuốc mới đã được phát triển làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong. Như Edward Carr - Phó Tổng biên tập của The Economist - chỉ ra, những triệu chứng ban đầu có thể được điều trị bằng Molnupiravir, Paxlovid. Người bệnh nặng có thể dùng Dexamethasone - loại corticosteroid rẻ tiền, giúp giảm nguy cơ tử vong 20-30%. Ở mức độ nhiễm bệnh trung bình, các loại thuốc như Remdesivir và cocktail kháng thể do Regeneron sản xuất có thể phát huy vai trò điều trị.

“Hãy nghĩ về sự kết hợp giữa tiêm chủng và điều trị như chuỗi những bức tường. Ở đó, mỗi bức tường ngăn chặn một tỉ lệ nhất định cuộc tấn công dẫn tới tử vong do virus gây ra. Việc tạo dựng mỗi bức tường mới đều góp phần làm giảm khả năng gây tử vong của COVID-19” - ông nói.

Hy vọng về bình thường mới

Các đại dịch trong lịch sử không kết thúc mà yếu dần đi và đó có thể là kịch bản sẽ xảy ra với COVID-19 trong năm 2022. Đúng là sẽ có những đợt bùng phát cục bộ, theo mùa, đặc biệt là ở những quốc gia chưa tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, cơ bản, SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù đáng gờm và rủi ro lớn nhất với những kết quả lạc quan đã đạt được thời gian qua là sự xuất hiện của một biến thể mới nguy hiểm có khả năng né sự bảo vệ mà các vaccine hiện có cung cấp. Do đó, các nhà dịch tễ học tiếp tục cần theo dõi các biến thể mới.

Về cơ bản, trong những năm tới, theo The Economist, khi COVID-19 ổn định như một căn bệnh đặc hữu (endemic), kiểu cúm hoặc cảm lạnh thông thường, cuộc sống ở hầu khắp thế giới có thể trở lại bình thường, ít nhất là "bình thường hậu đại dịch".

Tập hợp dự báo năm 2022 từ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, Đại học Northwestern (Mỹ) cũng cho rằng, bước sang năm thứ 3 của đại dịch, chúng ta sẽ chuyển nhiều hơn sang giai đoạn COVID-19 là bệnh đặc hữu. Nhân loại sẽ tiếp tục học cách chung sống với virus SARS-CoV-2. "Dù có nhiều lo ngại về các biến thể mới, đặc biệt là Omicron, nhưng ở giai đoạn này dường như những người đã tiêm vaccine đầy đủ và tiêm liều nhắc lại không có nguy cơ ốm nặng sau khi tiếp xúc với virus. Nguy cơ lớn nhất vẫn là những người không tiêm chủng" - Tiến sĩ Elizabeth McNally, Giám đốc Trung tâm Y học Di truyền tại trường y  Northwestern Feinberg chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc đi lại tiếp tục trong năm 2022 nhưng có khả năng sẽ yêu cầu xét nghiệm nhanh, đặc biệt là với di chuyển xuyên biên giới. Cây viết Renuka Rayasam của Politico hy vọng 2022 là năm mà mọi người và các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận được thực tế và tìm ra cách sống chung với bệnh đặc hữu COVID-19. Theo đó, cần đưa ra những chính sách và hướng dẫn bền vững hơn. Một số chính sách đơn giản như: Xem tiêm liều nhắc lại cho nhóm đối tượng có bệnh nền là ưu tiên khẩn cấp, xét nghiệm thường xuyên, nhanh chóng hơn. Những chính sách khác có thể bao gồm thiết kế chính sách văn phòng và trường học - những điều sẽ phức tạp hơn nhưng rất quan trọng khi các làn sóng COVID-19 lần lượt đến và đi. “Điều bình thường mới của tôi là lập kế hoạch mọi thứ với trạng thái linh hoạt" - Spencer Fox, Phó Giám đốc Liên đoàn mô hình COVID-19 Đại học Texas, cho biết.

Vaccine COVID-19 hiệu quả được phát triển giúp khả năng bình thường trở nên khả thi nhưng có bao nhiêu hành vi trước đại dịch thực sự có thể quay trở lại? The Economist đã thiết lập một “chỉ số bình thường” và khảo sát ở 50 quốc gia, chiếm khoảng 75% dân số và 90% GDP toàn cầu. Trong chỉ số này, 100 điểm tương đương với mức trước đại dịch. Kết quả cho thấy, năm 2021, chỉ số tăng chậm nhưng đều đặn từ 60 vào tháng 1 lên 79 vào giữa tháng 10 chứng minh rằng thế giới đã quay trở lại khoảng 2/3 mức độ hoạt động trước đại dịch. Quan sát chỉ số bình thường của thế giới hơn 18 tháng qua, các chuyên gia nhận định, diễn biến tiếp theo trong năm 2022 là những quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn người trưởng thành có thể phần nào cho phép cuộc sống bình thường trở lại.

Theo CNET, năm 2022 là năm COVID-19 chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu là điều mà tất cả chúng ta đều hy vọng, nhưng nhịp sống sẽ không thể trở lại năm 2019. Ví dụ, dự kiến có nhiều nơi trên thế giới tiếp bước Châu Á - nơi người ốm hoặc bị suy giảm miễn dịch tự nguyện đeo khẩu trang nơi công cộng trong nhiều năm qua. Chăm sóc sức khỏe từ xa sẽ trở nên phổ biến. Và vaccine COVID-19 sẽ mãi mãi thay đổi cách tạo ra vaccine cũng như các liệu pháp điều trị tiềm năng khác.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Kết quả giải trình tự gen 22 ca nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron ở Hà Nội

THÙY LINH |

Hà Nội đã gửi mẫu bệnh phẩm của những người mắc COVID-19 và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gene nhằm chủ động phát hiện sớm biến chủng Omicron.

BTS bị cách ly, Kpop "rung chuyển" vì biến thể Omicron

Lan Anh |

Việc ba thành viên nhóm BTS mắc COVID-19 gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Kpop đang trải qua đợt lao đao vì biến thể mới mang tên Omicron.

Hà Nội đang giải trình tự gene 28 trường hợp nghi ngờ liên quan đến Omicron

Phạm Đông |

Hà Nội - Theo Sở Y tế, thành phố đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gene xác định chủng virus.

Thế giới 24h: Mỹ “giật tít” phóng đại hơn 200% về sự lây lan của Omicron

DUNG HÀ |

Mỹ thừa nhận "giật tít" phóng đại sự lây lan của Omicron hơn 200%; Test nhanh COVID-19 có thể không chính xác với biến thể Omicron; Trung Quốc đẩy nhanh xây trạm nghiên cứu trên Mặt trăng... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong 24h qua.

Việt Nam đã phát hiện biến chủng Omicron, phải phòng tránh thế nào?

Thùy Linh |

Hôm qua, Bộ Y tế công bố Việt Nam đã ghi nhận ca mắc COVID-19 biến thể Omicron đầu tiên. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 8 biến chủng của virus SARS-CoV-2, mà trước đó là các chủng phổ biến tại Châu Âu, Châu Phi, Anh và Ấn Độ. Biến chủng được ghi nhận nhiều nhất là Delta.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.

Người dân TPHCM chật vật lội nước, xe cộ “chôn chân” sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

TPHCM - Tối 7.10, cơn mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, khiến người dân chật vật lội nước và kẹt xe về nhà.

Chủ quán cafe ở Thái Bình "choáng" vì hóa đơn nước quá cao

TRUNG DU |

Thái Bình - Chủ quán kinh doanh cafe tại TP Thái Bình gửi đơn khiếu nại đến công ty nước sạch vì hóa đơn tiền nước liên tục tăng cao bất thường theo thời gian.