Chuyện làng văn nghệ: Tiếng hát trận mở đầu Hải Phòng 19.11.1946

NGUYỄN THUỴ KHA |

Trong lịch sử mùa đông 1946, Hải Phòng nổ súng đánh Pháp trước ngày Toàn quốc Kháng chiến tròn một tháng (19.12.1946). Viết về trận mở đầu này, nhà thơ Trần Huyền Trân đã có một tráng ca hừng hực chất anh hùng ca. Trong tráng ca, có mấy câu viết về trận chiến ở Nhà hát Lớn Hải Phòng: “Hải Phòng! Nảy lửa trong lòng Nhà hát Lớn/ Mười ba quyết tử cười hơn hớn/ Còn viên đạn cuối cùng/ Nhà hát rung...”.

Nhưng không mấy ai biết lẽ ra không có sự gây hấn của Pháp, tại Nhà hát Lớn Hải Phòng sẽ diễn ra một chương trình ca nhạc kịch của các chiến sĩ tuyên truyền thuộc Bộ tư lệnh Liên khu 3 vào đúng đêm 19.11.1946. Và trụ lại chiến đấu không chỉ có mười ba quyết tử mà còn có cả các nghệ sĩ trong chương trình sắp diễn ra. Họ đã lấy tiếng hát như một vũ khí để chiến đấu trong trận mở màn này cùng súng trường và lựu đạn. Một trong những nghệ sĩ ấy là nghệ sĩ Phan Tại. Ông đã tạ thế năm 2007, nhưng trước khi mất, ông đã để lại cuốn hồi ký có viết rất rõ về sự kiện này. Tôi đã được đọc hồi ký đó và cũng đã nhiều lần nghe Phan Tại kể lại câu chuyện ấy trong những bữa rượu ở nhà nhạc sĩ Văn Cao. Câu chuyện bắt đầu từ tình bạn giữa Phan Tại và Nguyễn Văn Đạo ở Hưng Yên từ thuở nhỏ. Khi Phan Tại thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì Nguyễn Văn Đạo bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Giữa tháng 10.1946, Nguyễn Văn Đạo từ Hải Phòng nhắn tin mời Phan Tại xuống tham gia xây dựng một chương trình ca nhạc kịch của “Đoàn công tác hội” trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 3 do Lê Quang Hoà, và Hoàng Minh Thảo lãnh đạo. Vì bạn, Phan Tại đã bán quán Bạch Phượng của mình ở Hàng Dầu - Hà Nội, tức tốc xuống đơn vị của Nguyễn Văn Đạo. Ngay lập tức, một chương trình đã triển khai tập luyện. Trước đêm 19.11.1946 biểu diễn, toàn đội nghỉ hai ngày. 

 

Nhà hát Lớn Hải Phòng nơi diễn ra trận đánh trước ngày Toàn quốc kháng chiến đúng 1 tháng.

Sáng ngày 19.11, Đạo báo tin vui rằng, Chủ tịch Uỷ ban thành phố Trần Thành Ngọ đã phân phối vé cho các khu phố đâu vào đấy. Trưa 19.11, Phan Tại và Nguyễn Văn Đạo đến nhà in Văn Tân lấy đủ 2.000 tờ chương trình in hai màu, có ba bộ mặt vệ quốc quân trẻ, đội calô nhìn lên bó đuốc gió lùa. Phan Tại quay vào sân khấu sắp xếp chỗ cho dàn nhạc. Dàn nhạc gồm có Kim (guitare), Sinh (violon và mandoline) ở Hà Nội xuống, ở Hải Phòng có Thi (banjo), Sáu (clarinette) và Lê Vy (accordion) sẽ đến vào trước giờ biểu diễn vì Lê Vy phải đi dạy nhạc hàng ngày ở Hải Phòng. Song ngay từ 9 giờ sáng, đã có một sĩ quan của Ban liên hiệp Việt Pháp đến gặp tiểu đội trưởng bảo vệ Nhà hát Lớn Đặng Kim Nở. Nở cho anh em biết tình hình Pháp có thể dở chứng. Tuy Đạo có đề nghị anh em nghệ sĩ rút lui, nhưng mọi người đều tự nguyện ở lại chiến đấu cùng tiểu đội nếu Pháp gây hấn. Chẳng ai thấy sợ hãi, tất cả hát đồng ca một ca khúc của Ngọc Con (một đội viên trong đội): “Đời là vui, là tươi, là cố gắng lên/ Sao cho chúng mình hăng hái/ Đời là gian nan, là chiến đấu, đừng sầu bi/ Anh em ơi! Chớ dừng chân bước/ Anh em ơi! Chớ dừng chân bước/ Tiến lên đến cùng”.

Tiếng hát vừa dứt thì có tiếng ôtô, tiếng xe bọc thép rầm rầm trước cửa Nhà hát Lớn. Phía mặt sau nhìn sang Nhà máy Nước vẫn có thể là lối thoát ra. Phía trước, một bọn lính Pháp tranh nhau ăn quanh cái chảo đựng đầy bánh rán chúng vừa cướp của một bà bán rong. Phan Tại đã chụp được cảnh tượng này bằng chiếc máy ảnh Zeiss 3,5 của mình. Thấy có động, bà con phố Cầu Đất đứng xem mỗi lúc một đông. Vào lúc ấy thêm hai xe bọc thép và một xe tăng nữa vào gần hơn ở cửa nhà hát. Chắc trận chiến sẽ xảy ra, Đặng Kim Nở gọi điện xin ý kiến chỉ huy yêu cầu giữ anh em chiến sĩ nằm chờ địch tới, mặc cho 12 ly 7 và súng trường bắt đầu bắn vào Nhà hát Lớn. Chúng vừa bắn vừa chạy. Nhà hát Lớn ăn đạn từ mọi hướng. Bụi mù mịt. Các chiến sĩ bắt đầu bắn trả. Thêm một loạt đạn nổ, tất cả mọi người như bị kích thích, hát vang “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao. Địch bàn bạc lao xao rồi một sĩ quan và một lính chạy lên bậc thềm Nhà hát. Chúng chưa vào tới cửa thì đã nghe súng trường nổ khiến hai tên Pháp vội rút. Đạn từ các xe lại trút về phía Nhà hát Lớn. Tất cả anh em đều quyết tâm đánh trả. Khi địch đã vào Nhà hát Lớn và kêu gọi đầu hàng, Nguyễn Văn Đạo đã thét lên: “Không bao giờ”. Tất cả hô theo vang dội. Rồi tất cả lại hát vang “Tiến lên đến cùng” và “Chiến sĩ Việt Nam”. Tiếng hát át cả tiếng súng. Hình như ai cũng nghĩ rằng, đây là lần hát cuối cùng nên hát đến căng hết huyết quản. 

Khi ấy, đêm đã xuống. Những chùm đạn lửa bắn vào cấp tập khiến anh em nghệ sĩ phải lui vào hầm tránh đạn chờ thời cơ, chờ tiếp viện. Khi địch vào hẳn và nói bằng tiếng Pháp: “Các anh thua rồi - ra đi theo tôi”, Phan Tại vẫn nghe giọng Nguyễn Văn Đạo đáp lại cũng bằng tiếng Pháp: “Không, chúng tôi không thua”. Rồi lại đạn nổ lại khói mù mịt trong bóng tối. Dũng - một đội viên tìm vào hầm kể lại rằng mình nấp ở lô ghế dành cho nhà báo, thấy Đạo bị chém xả cổ bằng thanh kiếm Nhật mà địch giật được của Sáu. Sáu bị một băng tiểu liên ngã xuống. Còn Thi bị bắn ngay lúc địch mới vào. Nở cũng bị chúng nó bắn khi chưa kịp thoát ra ngoài. Đêm đó, cả Hải Phòng nhiều chỗ đụng độ. Trận mở đầu ở Nhà hát Lớn là trận chiến không cân sức. Chỉ có tiếng hát chống lại vũ khí. Chỉ có người lính quyết tử chống lại lũ xâm lược. Những văn nghệ sĩ, người còn sống, người bị thương bị đưa về giam giữ. 5 giờ chiều ngày 21.11.1946, sau ngày ký kết đình chiến và trao đổi tù binh, 5 văn nghệ sĩ được trao đổi với 10 sĩ quan Pháp do tự vệ thành Khu 7 Hải Phòng bắt được ở hai toa tàu sĩ quan Pháp từ Hà Nội xuống Hải Phòng tham chiến. Cuộc trao đổi có ông Hoàng Hữu Nam và tướng Morlierè chứng kiến. Tự do, họ lại hát vang. Đêm ca nhạc kịch đã hoá thành đêm trận chiến, đêm kỷ niệm của họ.

NGUYỄN THUỴ KHA
TIN LIÊN QUAN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Cựu Chủ tịch FLC và 2 em gái xin giảm án

Việt Dũng |

Trong số 25 người kháng cáo, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và em gái đều xin giảm nhẹ hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Giá vé máy bay Tết 2025 tăng, đắt nhất gần bằng 1 chỉ vàng

Chí Long |

Trước Tết Âm lịch vài tháng, giá vé máy bay nội địa dịp Tết có xu hướng tăng trung bình khoảng 5-8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bắc Ninh bắt kẻ chống đối xử lý vi phạm môi trường Phong Khê

Trần Tuấn |

Công an TP Bắc Ninh đã bắt khẩn cấp kẻ có hành vi chống đối xử lý vi phạm môi trường ở phường Phong Khê.

Bão số 5 Krathon rất mạnh, duy trì cấp siêu bão 24 giờ tới

AN AN |

Trong 24 giờ tới, bão số 5 Krathon vẫn duy trì sức gió mạnh cấp 16 giật trên cấp 17.

Ngư dân Quảng Ngãi nhập viện sau chuyến biển kinh hoàng

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Tàu cá của ngư dân hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa nghi bị lực lượng nước ngoài tấn công khiến nhiều người bị thương nặng, phải nhập viện điều trị.