Chưa đến 400 người kiếm sống được nhờ quần vợt
Với những gì được chứng kiến từ quần vợt thế giới, rất nhiều người tin rằng, đây là một thế giới thượng lưu và các tay vợt có cuộc sống xa hoa, cao cấp, đủ đầy. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Chính bởi thế, một người đã nhận số tiền thưởng trong cả sự nghiệp của mình lên đến gần 200 triệu USD như Novak Djokovic vẫn đang phải “chiến đấu” để tăng dần số lượng vận động viên có thể kiếm sống bằng quần vợt.
Đó là lý do để tay vợt nam số 1 thế giới cùng đồng nghiệp người Canada - Vasek Pospisil, thành lập Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA). "Năm 2020, trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi thi đấu ở US Open với quy trình bong bóng. Thật kỳ lạ khi thi đấu mà không có cổ động viên. Pospisil và tôi đã thành lập PTPA. Đó là một tổ chức của các tay vợt, bởi vì chúng tôi cảm thấy rằng các tay vợt không được chú ý một cách đúng đắn.
Hiển nhiên là tôi đề cập đến cả quần vợt nam và nữ. Hiện tại PTPA có khoảng 400 đến 450 tay vợt. Nhiệm vụ chính là cố gắng tăng số lượng người chơi có thể kiếm sống từ quần vợt. Hãy đảm bảo rằng chúng tôi có những tổ chức tốt hơn cho các thế hệ tương lai”, Djokovic giải thích trong cuộc phỏng vấn với Jeffrey Katzenberg phát sóng trên YouTube.
“Tôi không muốn bị hiểu lầm: Quần vợt đang làm rất tốt. Đây là một trong những môn thể thao được ưa chuộng nhất và chúng tôi rất vui khi được công nhận là những vận động viên xuất sắc. Nhiều người đến xem các trận đấu hoặc theo dõi trên tivi. Nhưng ít người biết rằng, chỉ có 300 đến 400 tay vợt, kể cả đơn nam, nữ và đôi, có thể kiếm sống nhờ môn thể thao này, con số thực sự rất nhỏ.
Nhiều người trong số này không có đội riêng: Huấn luyện viên, nhà vật lý trị liệu, huấn luyện viên thể lực. Họ phải tự mình làm mọi việc. Nhiều người đi thi đấu một mình. Có quá nhiều cơ quan quản lý và về mặt lý thuyết, tổ chức của chúng tôi đáng lẽ phải là một phần của Tour. Chúng ta có Hội đồng các tay vợt (ATP Player Council) nhưng luôn có xung đột lợi ích. Chúng tôi muốn cải thiện môn thể thao của mình nhưng không được quên xuất phát điểm của mình”.
Ví dụ từ quê hương Serbia
Djokovic lấy đất nước của mình làm ví dụ để phân tích sâu hơn những gì anh và PTPA đang theo đuổi. “Ví dụ ở Serbia, chúng tôi có một kỷ nguyên vàng với 4 tay vợt số 1 thế giới trong 20 năm qua là tôi, Ana Ivanovic, Jelena Jankovic và Nenad Zimonjic ở nội dung đánh đôi. Đối với một đất nước không có truyền thống quần vợt thì điều đó thật khó tin. Nhưng nó không phải là kết quả của một hệ thống thực sự.
Chúng tôi là những đứa con của chiến tranh và đã phải đối mặt với nhiều nghịch cảnh khác nhau. Tôi tin rằng, điều này đã giúp chúng tôi đối mặt với những khoảnh khắc khó khăn tốt hơn. Tôi hy vọng mọi người không phải trải qua tất cả những điều này và trải nghiệm chiến tranh, bởi vì nó thật khủng khiếp. Nhưng đồng thời nó khiến bạn trân trọng mọi thứ bạn có hơn, bởi vì chúng tôi lớn lên mà không có bất cứ thứ gì", Djokovic nói.
Cuộc chiến của PTPA và Djokovic
Djokovic đã theo đuổi mục tiêu trong nhiều năm để đảm bảo cho các thế hệ tay vợt tương lai có một tương lai tốt đẹp hơn từ mọi góc độ. Như nhiều lĩnh vực khác, quần vợt cũng có “thế giới ngầm”, nhưng người ta không thể nói quá nhiều mà chỉ biết rằng, đó là một thế giới nơi tất cả những người chơi buộc phải có sự hy sinh to lớn chỉ để cố gắng xây dựng sự nghiệp, và có những người vào cuối năm không thể cân đối chi phí của mình.
Ahmad Nassar, Giám đốc điều hành của PTPA, tin rằng các tay vợt rất cần một Hiệp hội của riêng mình. “Các vận động viên quần vợt đã thực sự bị bỏ lại phía sau trong 25 - 30 năm qua. Chúng tôi không có Hiệp hội độc lập như bóng rổ, bóng đá, bóng chày. Chúng tôi thực sự đang cố gắng xây dựng một Hiệp hội độc lập và tự duy trì có thể thực sự tồn tại trong 50 năm tới”.
Một vài thắc mắc liệu Djokovic và PTPA cuối cùng có thể hỗ trợ một “giải đấu ly khai” tương tự như giải LIV Golf trước khi sáp nhập với PGA hay không? “Chúng tôi không cố gắng làm điều đó,” Nassar nói tiếp.
Không phải ai cũng ủng hộ Djokovic và PTPA. Khi công bố điều này vào năm 2020, cả Roger Federer và Rafael Nadal đều bày tỏ sự dè dặt, Andy Murray cũng vậy. Họ đều là thành viên của Hội đồng tay vợt ATP.
“Thế giới đang sống trong một tình huống khó khăn và phức tạp”, Nadal viết trên mạng xã hội vào thời điểm đó, “Cá nhân tôi tin rằng đây là lúc chúng ta phải bình tĩnh và cùng nhau làm việc theo cùng một hướng. Đã đến lúc đoàn kết chứ không phải chia ly”.
Cách đây vài tháng, vào cuối năm 2023, PTPA đã có lập trường rõ ràng với WTA về việc tổ chức WTA Finals ở Cancun (Mexico). Một sự kiện được mong chờ nhưng lại vấp phải nhiều chỉ trích. Những tay vợt như Aryna Sabalenka, Iga Swiatek, Elena Rybakina phàn nàn về nhiều sai sót. Địa điểm tổ chức được quyết định với sự chậm trễ và cơ sở hạ tầng chỉ hoàn thành vài giờ trước khi giải bắt đầu. Điều kiện thời tiết thì bất lợi, gây ra nhiều bất tiện cho các tay vợt. Giám đốc điều hành WTA, Steve Simon, nói rằng, họ tiếp nhận phản hồi nhưng “quyết định về địa điểm này dựa trên một số yếu tố phức tạp” và “WTA chịu trách nhiệm về điều đó”.
Sau vài ngày, PTPA gửi một thông điệp rõ ràng tới WTA: “WTA Finals không chỉ khiến các tay vợt và người hâm mộ thất vọng mà còn phủ bóng đen lên quần vợt và thể thao nữ nói chung. Tuần trước, PTPA đã chọn cách im lặng vì tôn trọng các tay vợt đã nỗ lực suốt một năm trời để đạt được điều này, và với các nhà tổ chức địa phương bị mắc kẹt một cách không công bằng trong một tình huống không thể xảy ra. Bây giờ sự kiện đã kết thúc, chúng tôi kêu gọi WTA thực hiện một báo cáo độc lập của bên thứ ba xem xét nhiều sai sót nghiêm trọng đã xảy ra trong những tháng gần đây".
Djokovic theo đuổi mục tiêu một cách bền bỉ và anh cho biết, cũng muốn nói chuyện với Carlos Alcaraz về việc ủng hộ PTPA. Tính đến hiện tại, Djokovic có mức tiền thưởng trong sự nghiệp lên đến hơn 180 triệu USD (thu nhập trước thuế hơn 500 triệu USD), sở hữu khu đất rộng 40 mẫu Anh trị giá 40 triệu USD ở New Jersey. Nhưng Djokovic vẫn theo đuổi điều lớn lao hơn cho các đồng nghiệp, những tay vợt không giành danh hiệu lớn và chật vật kiếm sống.
“Cá nhân tôi không ở đây với PTPA vì muốn có nhiều tiền hơn cho bản thân mình”, Djokovic nói, “Không phải vậy. Tôi ổn với cuộc sống của mình. Tất cả chúng ta chắc chắn đều muốn thấy một sự thay đổi ở mức độ cơ bản vì tay vợt hạng 150 gặp khó khăn và thường phải di chuyển mà không có huấn luyện viên. Mọi người không nhận ra môn thể thao này đắt đỏ đến mức nào”.
Pospisil đánh giá về những nỗ lực của Nole: “Các tay vợt thật may mắn khi có một người tầm cỡ như Novak chiến đấu để cải thiện điều kiện cho họ trong Tour. Thời gian của anh ấy rất quý giá và có hạn, anh ấy có thể làm được rất nhiều việc nhưng lại dành sức lực để chiến đấu vì một mục đích cao cả.
Anh ấy là một người có nguyên tắc và đam mê với những giá trị vững chắc. Tôi biết rõ Novak trong nhiều năm và thấy anh ấy quan tâm, thông cảm đến mức nào đối với những người đang gặp khó khăn về tài chính trong Tour. Anh ấy làm rất nhiều điều đằng sau cánh cửa đóng kín mà mọi người không nhìn thấy và thực sự không nhận được sự tín nhiệm mà anh ấy xứng đáng có được trên các phương tiện truyền thông trong nhiều năm qua.
Djokovic được một số người miêu tả là một kiểu nhân vật phản diện nhưng anh ấy hoàn toàn ngược lại. Anh ấy sẽ luôn làm những gì tin là điều đúng đắn. Anh ấy đạt được rất nhiều thành tựu về mặt chuyên môn nhưng điều tôi tôn trọng và ngưỡng mộ nhất là con người anh ấy. Thực sự rất hiếm”.