Bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) - ông Nguyễn Hoàng Linh, công tác quản lý về đo lường luôn được Tổng cục quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước (QLNN) thống nhất từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố và các tổ chức doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng các VBQPPL về đo lường.
Chỉ tính giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục đã thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 783 lượt đơn vị (năm 2020 là 177 lượt); chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 508 lượt đơn vị (năm 2020 là 131 lượt, tăng 61,7% so với năm 2019); chứng nhận 739 chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (năm 2020 là 168 CĐL tăng 11,2% so với năm 2019); chứng nhận, cấp 6.239 thẻ kiểm định viên đo lường (năm 2020 là 1.352 thẻ, giảm 15% so với năm 2019); phê duyệt 17.747 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (năm 2020 là 3.248 mẫu PTĐ, giảm 39% so với năm 2019).
“Công tác đo lường đã giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc theo chức năng nhiệm vụ về đo lường được xử lý nhanh chóng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế xã hội”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Đánh giá về công tác đo lường, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TĐC) Nguyễn Hùng Điệp cho biết, Luật Đo lường được Quốc hội thông qua năm 2011, từ năm 2011-2015, chúng ta đã tập trung xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn. Giai đoạn 2016 - đến nay, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý còn đưa các quy định về đo lường vào các luật, nghị định khác và triển khai mạnh mẽ ở các bộ, ngành.
Ngoài việc góp phần làm thay đổi nhận thức, phương thức triển khai hoạt động về đo lường ở một số bộ ngành, địa phương, hoạt động đo lường còn được xã hội hóa mạnh mẽ trong thời gian qua. Tiêu biểu là hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường... đã trở thành một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thu hút doanh nghiệp, người dân tích cực, chủ động tham gia đầu tư và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đo lường là công cụ đắc lực góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp...
Bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo
Nói về thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Hùng Điệp cho biết, Tổng cục đã triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công về đo lường cấp độ 3, cấp độ 4 theo yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14.10.2015 về Chính phủ điện tử, Nghị quyết 61/2018/NQ-CP ngày 23.4.2018 quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định 45/2020/NQ-CP ngày 8.4.2020 về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Hằng năm, các tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký, được chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn hàng triệu phương tiện đo, bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện năng, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, đá quý, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường hàng không...); hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện giữa các tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên.
Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trực tiếp bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong quan trắc môi trường, giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác đã trực tiếp giúp bác sĩ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân...
Thời gian qua, các phương tiện đo được kiểm định và các kết quả đo chính xác là căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (vi phạm về quá tải ôtô, quá tải đường bộ, hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng...) tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân vào hiệu lực quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã giúp các doanh nghiệp duy trì độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả đo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Như vậy, Đo lường đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực, làm tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hoạt động đo lường phát triển đã góp phần cơ bản tạo thành ngành dịch vụ đo lường - điều khiển - tự động hóa. Chính dịch vụ này đã hỗ trợ, đáp ứng kịp thời với giá thành cạnh tranh cho doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ cao có hệ thống đo lường - điều khiển tiên tiến (doanh nghiệp khai thác dầu khí; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện năng, ximăng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu...), không phải thuê dịch vụ từ nước ngoài; hoạt động đo lường - điều khiển giúp doanh nghiệp kiểm soát, điều chỉnh quá trình công nghệ, hạn chế thất thoát nguyên vật liệu, giảm giá thành.
Thúc đẩy hội nhập và chuyển đổi số
Cũng theo ông Nguyễn Hùng Điệp, công tác đo lường còn góp phần vào đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi số, sự bùng nổ của hoạt động chuyển đổi số đã dẫn tới nhu cầu sử dụng phương tiện đo thông minh, phép đo thông minh phát triển mạnh mẽ. Đáp ứng nhu cầu trên, Tổng cục TĐC đã thực hiện phê duyệt mẫu các loại phương tiện đo thông minh như công tơ điện thông minh, đồng hồ đo nước thông minh, cột đo xăng dầu có chức năng in thực hiện thông qua hệ thống quản trị hàng hóa. Có thể kể đến: Công tơ điện thông minh sử dụng trong mạng lưới cung cấp điện của EVN, cột đo xăng dầu thông minh, đồng hồ đo nước thông minh... đã đóng góp không nhỏ cho việc quản lý chống thất thoát, minh bạch và điều tiết nguồn cung...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Điệp cũng cho rằng, trước những thách thức và cơ hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước và yêu cầu của xã hội, doanh nghiệp, đòi hỏi hệ thống quản lý của mọi ngành nghề, lĩnh vực nói chung và về đo lường nói riêng không ngừng phải đổi mới, phải thích ứng, thay đổi phù hợp với thực tế hiện tại khách quan. Một trong những đổi mới đó là thay đổi căn bản về tư duy, cách thức quản lý từ yêu cầu sang phục vụ doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm...
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn theo hướng chuyển việc kiểm tra nhà nước về đo lường đối về việc phê duyệt mẫu đối với phương tiện đo nhóm 2 nhập khẩu được thực hiện sau thông quan (trước khi đưa vào sản xuất, lưu thông tại thị trường nội địa) nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đồng thời, Bộ hiện đã xử lý và tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt để ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi được Chính phủ ban hành sẽ là điểm mới, thông thoáng hơn, cắt bỏ thủ tục kiểm tra nhà nước về đo lường nhằm tiếp tục hỗ trợ hữu hiệu hơn nữa cho doanh nghiệp trong thời gian tới.