Mũ bảo hiểm kém chất lượng tiềm ẩn rủi ro cho người sử dụng

ngũ phạm |

Việt Nam là một trong những quốc gia có mật độ xe máy đứng đầu thế giới. Theo thống kê, bình quân cứ 1.000 người dân sở hữu khoảng 460 xe máy. Nghị quyết 32 của Chính phủ năm 2007 ra đời đã giúp tỉ lệ đội mũ bảo hiểm tăng từ 30% lên trên 90%, điều này đã góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, số người đội mũ bảo hiểm đúng cách, đảm bảo chất lượng mới chỉ đạt khoảng 70%.

70% mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thành viên và Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP) tổ chức gần đây tại Hà Nội. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an... ban hành Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-CBT-BCA-BGTVT quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, các tổ chức đánh giá sự phù hợp, các cá nhân liên quan trong việc quản lý mũ bảo hiểm (MBH).

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho Phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có MBH đội khi tham gia giao thông, cùng với đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện thí điểm Chương trình nghiên cứu, sản xuất MBH dành riêng cho Phụ nữ dân tộc Thái.

Tính đến nay, Việt Nam đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ từ quy định về chất lượng, quản lý trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối MBH, quy định trách nhiệm người sử dụng, trách nhiệm cơ quan quản lý…

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chỉ rõ, số người tham gia giao thông đội mũ giả mạo MBH (mũ lưỡi trai nhựa) là khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước, 40% tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Một nghiên cứu gần đây được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hơn 26% vụ tai nạn giao thông mà chủ phương tiện bị văng MBH ra đường là do mũ không đạt chất lượng hoặc cài dây không đúng cách. Nhiều người dân còn chưa ý thức được vai trò quan trọng của việc đội MBH phù hợp với quy chuẩn.

Đánh giá về chất lượng MBH, TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, tỉ lệ người đội MBH tại Việt Nam đạt cao nhưng tỉ lệ người đội mũ đúng cách và đạt chuẩn chỉ khoảng 70%. TS. Park cho rằng, Việt Nam cần quy định cụ thể, rõ ràng về việc sản xuất, đội MBH đạt chuẩn để bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy mang tính nhân văn rất cao. Báo cáo tại Hội nghị, ông Hùng cho hay, tỉ lệ đội MBH của người dân khi tham gia giao thông tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mới đạt từ 50 - 60%; tỉ lệ trẻ em đội MBH mới đạt khoảng 40 - 50%. Đặc biệt ở các thành phố lớn, tỉ lệ người dân sử dụng MBH không đạt chuẩn, mũ giả vẫn chiếm đến 40%, việc đội MBH đối với nhiều người chỉ mang tính chất đối phó với lực lượng chức năng nhằm tránh bị xử phạt.

Để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng mũ MBH kém chất lượng trên thị trường và nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng MBH đảm bảo chất lượng khi tham gia giao thông, ông Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý từ khâu cấp phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, niêm yết danh sách các thương hiệu MBH đạt chuẩn để người dân được biết.

“Ngoài ra, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng nhằm ngăn ngừa từ gốc việc buôn bán, sử dụng MBH “rởm”. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm cần đưa ra xử lý trước pháp luật, bởi đây là một sản phẩm liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe của con người”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm chưa cao

Đánh giá về tỉ lệ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hiện nay, ông Khuất Việt Hùng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỉ lệ người dân chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông đã đạt được hơn 90%. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới con số 9.000 mỗi năm như hiện nay, đồng thời cũng giúp hạn chế những thương tích nặng, đặc biệt là những ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gây ra đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, theo ông Hùng, tỉ lệ đội MBH cho trẻ em hiện nay còn thấp, ở mức 35 - 40%.

Theo quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đội MBH. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 500 nghìn trường hợp không đội MBH, trong đó có 1.920 trường hợp không đội MBH cho trẻ em.

Về số lượng các vụ vi phạm TTATGT, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, tính từ ngày 15.9.2007 đến ngày 15.11.2017, công an các đơn vị, địa phương đã lập biên bản xử lý gần 58 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó vi phạm không đội MBH, hoặc đội MBH không đúng cách gần 6,9 triệu trường hợp (chiếm 11,89% tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ). “Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng nên việc thực hiện đội MBH vô cùng quan trọng. Do đó, cần nâng cao ý thức của toàn xã hội về vấn đề này” - Thiếu tướng Tuấn nhấn mạnh.

Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, qua 10 năm triển khai quy định về đội MBH, ý thức chấp hành luật giao thông trong học sinh đã từng bước chuyển biến tích cực, hình thành các thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, tạo môi trường văn hóa giao thông. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông vẫn còn xảy ra bởi chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là nhận thức, ý thức của phụ huynh các em học sinh chưa tích cực, nhiều phụ huynh vẫn đèo ba, bốn cháu đến trường nhưng không đội MBH.

“Để có thể tiếp tục triển khai tốt hơn quy định về bắt buộc đội MBH, hàng tháng, chính quyền địa phương có thể gửi danh sách học sinh vi phạm về nhà trường; nghiên cứu, đề xuất các nhà sản xuất đưa ra thị trường các mẫu MBH phù hợp; phối hợp với các tổ chức, cá nhân trao MBH cho học sinh ở các vùng xâu, xa,…”

Đề xuất giải pháp cho việc quản lý chặt chẽ chất lượng MBH, Phó Tổng cục trưởng TĐC Nguyễn Hoàng Linh cho biết, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên, cần tăng cường hậu kiểm MBH cho người đi mô tô, xe máy lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, mũ giả MBH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hoàn thiện khung pháp lý và quy định kỹ thuật về MBH để tăng cường quản lý chất lượng.

Bên cạnh đó, cần thành lập Hiệp hội doanh nghiệp MBH để định hướng, hỗ trợ người sản xuất, nhập khẩu đáp ứng các quy định về chất lượng MBH. Hiệp hội này có thể phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh mũ không phải MBH, mũ giả mạo MBH để bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

“Các cơ quan hữu quan, trong đó Ủy ban ATGTQG cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về sự cần thiết phải đội MBH đạt chuẩn; các cơ quan thực thi như công an, quản lý thị trường... kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình sản xuất, kinh doanh MBH giả cũng như các hành vi vi phạm khi sử dụng mũ không phải MBH khi tham gia giao thông” - Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

ngũ phạm
TIN LIÊN QUAN

Lào Cai ghi nhận ca "vi khuẩn ăn thịt người" đầu tiên

Đinh Đại |

Ngành Y tế Lào Cai vừa phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".

Cập nhật giá vàng chốt phiên 27.9: Bứt phá mạnh mẽ

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng chốt phiên 27.9: Đà tăng của vàng gần như không có vật cản. Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng cao nhất mọi thời đại.

Em trai của Trương Mỹ Lan xin lại số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh

Tâm Tú |

TPHCM - Tại phiên tòa Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, đại diện ông Trương Mễ (em trai Trương Mỹ Lan) xin tòa giải tỏa kê biên số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh.

Xử lý vi phạm tại bến đò Cồn Nhì sau phản ánh của Lao Động

TRUNG DU |

Thái Bình - Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý loạt vi phạm tại bến khách ngang sông Cồn Nhì.

2 phút cướp ôtô rồi gây ra 6 vụ tai nạn khiến 7 người thương vong ở Cần Thơ

Tạ Quang - Yến Phương |

Cần Thơ - Sự việc xảy ra quá nhanh, quá trình cướp xe của đối tượng dương tính với ma túy chỉ diễn ra trong vòng 2 phút.

Tiền phạt quá tiền công, tài xế nói "quyết không chở nữa"

Tô Thế |

Nhận chuyển hàng cồng kềnh với hơn 100 nghìn đồng tiền cước. Tuy nhiên, nhiều tài xế bị CSGT Hà Nội phát hiện xử lý, tiền phạt gấp nhiều lần tiền công.

Còn 9 nạn nhân mất tích trong vụ lở núi ở Làng Nủ

Đinh Đại |

Lào Cai - Lực lượng chức năng huyện Bảo Yên đã tìm thấy thi thể một nạn nhân mất tích trong vụ lở núi xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.

TPHCM thay đổi nhân sự chủ chốt tại nhiều quận, sở ngành

MINH QUÂN |

Chiều 27.9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì lễ trao quyết định bổ nhiệm và nghỉ hưu cho một số cán bộ chủ chốt tại nhiều quận, sở ngành.