Mười ngày và vô tận

Zac Herman |

Nhà văn Vĩnh Quyền vừa hoàn tất bản thảo “Trong vô tận”, tiểu thuyết về những nhân vật ở độ tuổi hai mươi lăm thuộc nhiều thế hệ một gia tộc lớn ở Huế, và chuyện về họ được kể theo lối phi truyền thống, NXB Trẻ sẽ phát hành trong quý III năm 2018. 

Là người sẽ biên tập bản tiếng Anh - “Inside Infinity” - do tác giả chuyển ngữ, tôi đã nhiều lần trao đổi với ông về tính thể nghiệm của tiểu thuyết này. Dưới đây là một cuộc trao đổi như thế. 

“Trong vô tận” không phải là tiểu thuyết lịch sử nhưng rõ ràng nó được viết từ cảm hứng lịch sử, trên một chiều dài đáng kể về thời gian, trải năm thế hệ một gia tộc lớn ở thành phố được cho là chứng nhân mọi biến động quan trọng của lịch sử đất nước: Huế. Yếu tố lịch sử giữ vai trò gì trong quá trình xây dựng chủ đề (theme) của tiểu thuyết này?

- Một thanh niên Việt sống nhiều năm trên đất Mỹ thu thập tư liệu viết luận văn thạc sĩ “Nước Đại Nam – một cường quốc Đông Á” thì hẳn lịch sử là một trong những mạch nguồn quan trọng của câu chuyện.

Bài báo khoa học của anh cũng gây sốc với những ai quen nghĩ một Việt Nam nhược tiểu: Làm rõ một đánh giá trong báo cáo của Ngân hàng thế giới, rằng Việt Nam năm 1820 – năm vua Gia Long băng hà sau mười tám năm tái thiết đất nước và khắc phục hậu quả hai mươi bảy năm nội chiến cũng như ngoại xâm – là một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tiếp cận ngưỡng trung bình thế giới, trở thành một trong năm nền kinh tế lớn khu vực Đông Á.

Tất nhiên ngoài đam mê nghiên cứu lịch sử anh còn gắn bó với đám bạn quậy phá thời trung học, thương nhớ không nguôi người mẹ mất sớm, yêu cô gái tên Nhàn bí ẩn... Rồi một ngày anh đột ngột biết anh có người cha sống một mình ở Huế, thành phố mà mẹ anh từng bảo mùa mưa ở đó có khả năng khiến người ta buồn gấp mười lần cần thiết, và ông đang hôn mê sâu.

Anh về bên cha, mười ngày sau ông qua đời. Trong thời gian đó cha anh tỉnh lại một lần duy nhất, với cái nhìn và cái nắm tay con trai, kết nối đầu tiên cũng là cuối cùng. Và thế là đủ. Anh thấy mình được hoàn thiện bản thân.

Mười ngày chăm sóc cha giữa biệt phủ hoang vắng của gia tộc, khám phá những tủ sách cổ kính, “trò chuyện” với người cha, một tiến sĩ dân tộc học, qua các ghi chép tản mạn tìm thấy trong laptop của ông, người con lần tìm về nguồn cội... Hành trình nhân vật tự hàn gắn đứt gãy để kết nối quá khứ vô tận của dòng tộc, dân tộc là chủ đề của tiểu thuyết.

Nhà văn Vĩnh Quyền.
Nhà văn Vĩnh Quyền.

Hành trình tìm về ấy được thiết kế bằng chất liệu sách cũ về lịch sử, văn hóa và nhật ký. Tôi tin rằng bạn đọc trẻ Việt Nam sẽ thích thú khi được nhà văn cung cấp một kiến văn rộng, sâu về thời quá vãng thông qua những mẩu chuyện sinh động, giàu cảm xúc. Tuy nhiên, nhà văn có tiên liệu bạn đọc nước ngoài khi tiếp xúc bản Anh ngữ sẽ lúng túng vì gặp khá nhiều tên sách và những trích đoạn xa lạ?

- Tôi ý thức người đọc tiểu thuyết quan tâm chuyện đời sinh động của nhân vật hơn là sách mà nhân vật đọc, nhất là sách nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Nhưng với những nhân vật trí thức trong “Trong vô tận”, sách là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Có thể nói tiểu thuyết này là một thế giới của sách.

Tuy nhiên, bạn đọc không cần phải tìm đọc những đầu sách ấy mới hiểu mạch truyện. Sách xuất hiện chỉ để làm rõ về nhân vật.

Chẳng hạn đề tài luận văn thạc sĩ của nhân vật (“Nước Đại Nam – một cường quốc Đông Á”) có thể gây khó hiểu cho nhiều người, thì trong cuộc trò chuyện với bạn là một nhà báo trẻ, nhân vật này nói đến hai cuốn sách tiếng Pháp: Hồi ký “L’ Empire d’ Annam” (1904) của đại úy Charles Gosselin và hồi ký “L’ Indochine Francais” (1905) của toàn quyền Paul Doumer, về sau là tổng thống Pháp.

Hai tác giả đều ghi nhận và tự hào nước Pháp của họ thắng được một cường quốc tại Đông Á là Annam (cách người Pháp gọi Việt Nam trước 1954). Tôi tin có thể không nhiều vẫn có những bạn đọc nước ngoài thấy thú vị và nhìn lịch sử Việt Nam khác với trước, khi tình cờ đọc các chi tiết như vậy từ những cuốn sách đã lẩn dưới lớp bụi thời gian.

“Trong vô tận” là một tiểu thuyết ngắn đúng nghĩa. Chỉ trên hai trăm trang nhưng chứa đựng nhiều mảnh đời, nhiều sự kiện lịch sử và tất cả rất tập trung cho một chủ đề lớn của thời đại hiện nay: Kết nối quá khứ như là một hành động để hoàn thiện bản thân. Nhà văn có thể chia sẻ nghệ thuật điều tiết yếu tố thời gian trong một tiểu thuyết ngắn?

- Thời gian trần thuật (narration) của “Trong vô tận” chỉ mươi ngày đầu tháng 5 năm 2014. Nhưng thời gian các sự kiện lịch sử xảy ra trong tiểu thuyết lên đến trăm năm, từ cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916, và có thể lùi xa hơn thế nữa. Theo dòng ý thức của nhân vật, lịch sử không diễn ra theo trình tự biên niên, các sự kiện cũng không được mô tả chi tiết.

Nói cách khác, lịch sử không làm sân khấu cho nhân vật thể hiện, mà chỉ những mảnh vụn ấn tượng của lịch sử, trong đó có những trang sách cũ, ngẫu nhiên tác động sâu sắc lên ý thức, tâm hồn nhân vật. Chuỗi mảnh vụn lịch sử ấy đánh thức khao khát tìm mã di truyền (genetic code) của nhân vật chính.

Đấy là những “mảnh vụn” có sức gợi lớn. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ quen thuộc, thế nhưng trong tiểu thuyết này con số 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển được lý giải rất mới: Người Việt coi trọng giá trị biển ngang bằng giá trị đất liền, từ đó dẫn đến khái niệm “đất nước”, hoàn toàn khác với “sơn hà” – sông núi của người Trung Hoa.

Vụ cảm tử quân triều đình Huế xâm nhập tòa khâm sứ Pháp tìm hủy văn bản điều ước bất lợi trước khi nó được đưa về Paris mở ra cái nhìn bi tráng về chiến tranh Việt - Pháp. Hình ảnh cô đào nhỏ Bắc kỳ ôm cây đàn đáy theo đoàn di cư vào Nam tìm cha đủ soi rọi cả cuộc phân cắt đất nước sau hiệp định Geneve.

Thiên phóng sự truyền hình của một nhà báo trẻ lập tức đưa người đọc vào điểm nóng thời sự Biển Đông... Rất nhiều “mảnh vụn” hấp dẫn như thế. Còn với “kịch bản” về cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916 thì có thể xem đó là “mảnh vụn” nữa không khi trải dài trên 50 trang?

Vẫn “mảnh vụn”. Nhưng là một “mảnh vụn” thử thách đối với bạn đọc quen thưởng thức tiểu thuyết truyền thống, ở đó mọi thứ đạt tới trạng thái cân bằng. Nói cách khác, cái gọi là kịch bản ấy đã phá vỡ tính cân bằng của cấu trúc tiểu thuyết. “Trong vô tận” được lắp ghép nhiều văn bản với nhiều thể loại (ghi chép, bút ký, truyện ngắn, kịch bản...).

Dù nhiệm vụ của tất cả là phục vụ phát triển tuyến truyện, nhưng hầu hết xuất hiện như những văn bản độc lập. Khi đã nhập vào một văn bản, bạn đọc hoàn toàn sống riêng với nó, thậm chí quên là đang đọc một tiểu thuyết “khác”, nên yếu tố ngắn dài không còn quan trọng, rồi sau đó nhận ra mối liên kết toàn cục, cũng là lúc nhận ra điều lý thú của sự đọc văn. Tất nhiên với điều kiện nhà văn thành công trong trò chơi cấu trúc.

“Trong vô tận” đan xen một loạt nhân vật ở ngôi thứ nhất, đôi khi hai nhân vật “tôi” xuất hiện cùng trường đoạn. Xin cho biết những hiệu ứng nào nhà văn muốn tạo ra từ cách xây dựng nhân vật như vậy?

- Là người kể chuyện, nhà văn giữ vai trò trung gian giữa bạn đọc và nhân vật ngôi thứ ba của mình, thông qua quan sát, mô tả vẻ ngoài và phán đoán trạng thái tâm lý bên trong của nhân vật. Trong khi với nhân vật ngôi thứ nhất, tác giả giấu mình sau ngôn ngữ, tạo cơ hội bạn đọc tham gia câu chuyện, trực tiếp nghe thấu dòng ý thức (stream of consciousness) và cả vô thức bí ẩn không lường của nhân vật để tự thân khám phá cái tôi sâu thẳm của nhân vật, thậm chí hòa nhập vào nhân vật.

Hoạt động bề ngoài của nhân vật ngôi thứ ba phụ thuộc vào chuỗi logic tâm sinh lý, logic xã hội, logic không gian thời gian, là những khuôn khổ khách quan mà nhà văn phải tuân theo trong quá trình sáng tạo nhân vật và phát triển nhân vật, cũng như trong xây dựng toàn bộ cấu trúc tác phẩm.

Trong khi nhân vật ngôi thứ nhất cho phép nhà văn hầu như thoát khỏi những ràng buộc như vậy. Hoạt động bên trong của nhân vật mang tính chủ quan, vượt qua giới hạn của logic lý tính, buông trôi tự nhiên theo dòng ý thức mông lung, trong đó hồi ức và giấc mơ là những chuyến tàu, những đôi cánh không lập trình điểm đến, có khả năng đưa nhân vật xuyên không gian thời gian, thâm nhập thế giới vô thức chưa từng biết, thậm chí trước đó chưa có ý định bước vào.

Tất nhiên hoạt động của ý thức, dẫu huyền ảo không lường như thế, rốt cuộc cũng hình thành logic của nó. Nhưng là thứ logic mở, hữu ích và thú vị đối với nhà văn. Nói cách khác, mở rộng biên độ hiện thực và mời đón bạn đọc tham gia câu chuyện đã thanh thông qua nhân vật ngôi thứ nhất là những hiệu ứng tôi hướng đến khi sử dụng kỹ thuật dòng ý thức trong quá trình sáng tác “Trong vô tận”.

Zac Herman
TIN LIÊN QUAN

Một nhà hàng ở Yên Bái bị tố chặt chém đoàn từ thiện bão lũ

Trần Bùi |

Một nhà hàng trên địa bàn TP Yên Bái bị đoàn khách từ thiện tố "chặt chém" khi thu hóa đơn tới gần 5 triệu đồng cho bữa cơm 12 người.

Bà Nguyễn Phương Hằng được ra tù vào hôm nay

ĐÌNH TRỌNG |

Cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương cho biết, sáng nay (19.9), bà Nguyễn Phương Hằng được ra tù sau khi được xét giảm án.

Bão số 4 chưa vào, cây cối ở Quảng Bình đã bật gốc

CÔNG SÁNG |

Bão số 4 chưa vào, cây cối tại đường Võ Thị Sáu (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã bật gốc.

Ứng phó bão số 4, chủ động với các tình huống xấu nhất xảy ra

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ", chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cầu trên tuyến nối Hòa Bình với Hà Nội bị nứt gãy, sụt mố

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Cầu Ngòi Móng trên tỉnh lộ 445 (tuyến đường nối thành phố Hòa Bình) bất ngờ bị nứt, sụt mố cầu lúc nửa đêm, may mắn không gây thiệt hại về người.

Một số tỉnh cho học sinh nghỉ học tránh bão

NHÓM PV |

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ chịu ảnh hưởng đã cho học sinh nghỉ học để tránh bão.

Israel tấn công Lebanon, tuyên bố giai đoạn cuộc chiến mới

Song Minh |

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết đã tiến hành không kích vào các mục tiêu của Hezbollah ở miền nam Lebanon.

Xe khách tông đuôi xe khách trên cao tốc, 2 người chết

Duy Tuấn |

Bình Thuận - 2 xe khách giường nằm va chạm trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 2 người tử vong trong xe.