“Thế là con được đi học thật rồi!”

HUYÊN NGUYỄN |

“Mẹ ơi, thứ Hai là con được đi học rồi phải không mẹ? Lần này chắc chắn rồi chứ ạ? Con muốn đi học, không muốn ở nhà một phút giây nào nữa...”, bé Trần Hoàng Lê, năm nay vào lớp 1, liên tục hỏi mẹ.

Đến trường sau gần 10 tháng ở nhà

Trong suốt mùa dịch qua, câu hỏi “Bao giờ con được đến trường?” được Hoàng Lê hỏi mẹ nhiều lần nhưng chị Nguyễn Hoàng Vi cũng chỉ biết dỗ dành con đợi thông báo của cô giáo. Bé Trần Hoàng Lê năm nay học lớp 1 Trường Tiểu học Cao Bá Quát (quận Phú Nhuận, TPHCM).

Gần 10 tháng qua, vì dịch bệnh COVID-19 kéo dài, học sinh nhiều tỉnh, thành phố chưa được đến trường, cũng chưa gặp trực tiếp cô giáo, bạn bè. Tất cả chỉ qua màn hình học online. Đôi lần, TPHCM lên kế hoạch cho học sinh bậc Tiểu học đi học trở lại, bé đã háo hức chuẩn bị sách vở, quần áo nhưng sau đó lại hụt hẫng vì thời gian bị dời lại.

“Mỗi lần được mẹ chở qua trường bé đều xuýt xoa ước gì được đi học tại trường chứ không phải học qua máy tính. Nghe vậy thôi cũng đủ xót xa. Nhận được thông tin con sẽ được đi học từ 14.2, tôi lập tức chia sẻ với con. Cháu vui mừng lắm: “Thế là con được đi học thật rồi!”. Phụ huynh cũng mừng vì thời gian học ở nhà lâu quá rồi, học trực tiếp sẽ tốt hơn nhiều, con cũng được giao tiếp với bạn bè nữa”, chị Vi kể lại.

Niềm vui bé Lê và gia đình chị Vi cũng là nỗi niềm của biết bao học sinh trên cả nước, là mong đợi của giáo viên. Cô Mỹ Ngọc - giáo viên của Hệ thống Mầm non Quốc tế Global Ecokids (quận 10) cũng háo hức đếm từng ngày.

Cô Ngọc tâm sự là một giáo viên yêu nghề, yêu trẻ, thời gian qua đối với cô dài vô kể. Nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các bé học sinh mầm non nhỏ nhắn dễ thương khiến cô lúc nào cũng bồn chồn, trông ngóng. “Thực sự tôi rất nhớ và muốn được đi dạy trở lại. Ngày nào tôi cũng lên báo chí để đọc thông tin xem tình hình dịch bệnh và kế hoạch mở trường trở lại. Thấy thành phố có lộ trình chuẩn bị, trong đó có cả cho giáo viên mầm non tôi thấy rất vui” - nữ giáo viên bộc bạch thêm.

Từ ngày 7.2, khoảng 17 triệu học sinh trên cả nước sẽ trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học online. Cả 63/63 tỉnh thành đã chuẩn bị các giải pháp và kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường an toàn. Trong đó có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7-14.2.

Tại Hà Nội, toàn bộ học sinh khối lớp 7 đến 12 trở lại trường vào ngày 8.2. Học sinh từ khối 1 đến 6 tại 18 huyện, thị xã trở lại trường từ ngày 10.2. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh - chia sẻ: “Nhà trường đã chuẩn bị tốt các phương án để đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài học online. Học sinh đến trường yêu cầu tuân thủ 5K trong suốt thời gian học tại trường. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường về sức khoẻ cần báo ngay cho bộ phận y tế hoặc trong gia đình có trường hợp F0”.

Về công tác dạy học, ông Bình cho biết nhà trường đã thực hiện các bước kiểm tra kiến thức trong suốt thời gian học sinh học online nhằm đảm bảo cho các con hoàn thiện đầy đủ các kiến thức cơ bản. Với các học sinh lớp 9 và lớp 12, nhà trường đặc biệt chú trọng việc kiểm tra định kỳ; có các tổ tư vấn giúp các con nắm bắt đầy đủ kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Khi các học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức ôn luyện cho các con trong thời gian ngắn trước khi kết thúc năm học cuối cấp.

Sau nghỉ lễ, nhiều địa phương cũng điều chỉnh kế hoạch để học sinh được đến trường sớm hơn. Như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh này quyết định cho toàn bộ học sinh các cấp học sẽ đến trường học trực tiếp vào 14.2 thay vì 21.2 theo kế hoạch trước Tết. Ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Các địa phương phải hết sức quan tâm hỗ trợ để chuẩn bị chu đáo cho học sinh đến trường đúng kế hoạch.

Kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ngay từ cổng trường. Ảnh: Hải Nguyễn
Kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ngay từ cổng trường. Ảnh: Hải Nguyễn

Học trong môi trường “bình thường mới”

Khi học sinh đi học trở lại, việc xuất hiện giáo viên, học sinh mắc COVID-19 là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên các cơ sở giáo dục cần có phương án để xử lý khi phát hiện F0.

Theo tổng hợp của Sở GDĐT tỉnh Nghệ An, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tính đến chiều 8.2, toàn tỉnh có 266 học sinh là đối tượng F0 ở 4 cấp học và có 71 giáo viên, nhân viên là đối tượng F0. Số giáo viên và học sinh thuộc đối tượng F1 là gần 4.000 trường hợp.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An - cho biết: Quan điểm của Sở là vẫn ưu tiên dạy học trực tiếp để ổn định việc dạy học ở các nhà trường và không ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến của dịch và đặc thù của các địa phương, việc chỉ đạo có thể linh hoạt "dịch ở đâu sẽ khoanh vùng ở đó, vừa tổ chức dạy học trực tiếp, vừa tổ chức dạy học trực tuyến". Tuy nhiên, ông Thành vẫn nhấn mạnh các nhà trường không được chủ quan trong quá trình tổ chức dạy học, thực hiện giãn cách cục bộ đối với những lớp, những trường có số lượng học sinh F0 nhiều.

Là địa phương tâm dịch của cả nước trong năm 2021 nhưng đến nay, khi 5 tuần liên tiếp là vùng xanh, TPHCM đã mạnh dạn cho toàn bộ học sinh đến trường. Ngay sau Tết, học sinh khối lớp 7 đến 12 đã đến trường học tập trực tiếp. Từ 14.2, trẻ mầm non 3-6 tuổi và học sinh lớp 1 đến 6 sẽ đi học trở lại trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Trong nỗ lực “bình thường hóa” hoạt động dạy học, linh hoạt phù hợp với đặc thù nhà trường và đối tượng học sinh, nhiều trường học tại TPHCM đã thực hiện mở lại bán trú từ sau Tết. Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TPHCM - cho biết việc mở lại hoạt động bán trú, căn tin tại trường học trong điều kiện có dịch là rất khó, tuy nhiên để tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh, học sinh, các trường cần phải nỗ lực rất lớn, tính toán phù hợp với từng đối tượng học sinh và đặc thù đơn vị. Đơn cử như hoạt động căng tin, ngoài bán nước thì cần cân nhắc bán thêm đồ ăn sáng, tạo điều kiện giúp học sinh được ăn sáng, nhất là với những học sinh ở xa, giúp các em không bỏ bữa, đảm bảo sức khỏe cho các em.

“Để đảm bảo an toàn phòng dịch khi học sinh tất cả các khối lớp cùng trở lại trường sau tết, các trường chú ý phân ca; phân khu vực vui chơi, sinh hoạt với sự hướng dẫn cụ thể cho học sinh từng lớp. Trường có khuôn viên nhỏ thì việc tổ chức càng phải khoa học, bài bản. Đặc biệt, phải chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng, thói quen mới về phòng dịch”, ông Trịnh Duy Trọng chỉ rõ.

Tránh tình trạng "nay mở, mai đóng"

Vui mừng khi cho con trở lại trường học nhưng nhiều phụ huynh cũng lo lắng khi trường học xuất hiện ca F0 trong khi trẻ mầm non, học sinh lớp 1 đến lớp 6 chưa tiêm vaccine. Việc đến trường của học sinh cũng không ổn định do “nay mở, mai đóng”. Cùng với đó, nỗi lo mang tên "không bán trú" tại một số địa phương cũng khiến phụ huynh khó khăn đưa đón con đi học và tới trường.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho hay, vừa qua đúng là có tình trạng “đóng, mở” trường học theo cấp độ dịch. Một số cơ sở giáo dục còn máy móc trong việc áp dụng các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch.

Theo bà Minh, nhằm đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, từ ngày 9.2, Bộ GDĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ bậc mầm non tới đại học, qua đó nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn vướng mắc để kịp thời đưa ra những giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu là nhanh chóng mở cửa trường học an toàn ở tất các địa phương, bậc học, bà Minh nhấn mạnh.

Trong tuần đầu đi học trở lại sau Tết, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng gửi công điện tới Giám đốc các sở GDĐT về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Trong đó, nổi bật là việc yêu cầu địa phương tổ chức dạy học trực tiếp thuận lợi cho phụ huynh đưa đón, chăm sóc học sinh.

Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp tại cơ sở giáo dục, cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp.

Với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.

Các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Riêng đối với học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch hoàn thành năm học 2021-2022 trước ngày 30.6.2022.

Đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30.6.2022 vì lý do bất khả kháng cần kịp thời báo cáo Bộ GDĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với Kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.

HUYÊN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Học sinh thích thú đến trường, phụ huynh cũng vui lây

THƯ PHƯƠNG |

Học sinh  phấn khởi tất bật hơn chuẩn bị mọi thứ trước khi đến trường. Nhìn gương mặt các con thích thú khi được đi học trực tiếp khiến bậc làm cha, làm mẹ cũng vui lây.

Đến trường từ tờ mờ sáng, nhiều học sinh tiểu học quên bạn, quên lớp

Vân Trang - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày đầu trở lại trường sau 9 tháng ròng rã học online, nhiều học sinh tiểu học hồ hởi đến trường từ tờ mờ sáng.

Hà Nội: Học sinh cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trực tiếp từ ngày 14.2

Phạm Đông |

Hà Nội - UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho học sinh, sinh viên, học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn đi học trực tiếp trở lại từ ngày 14.2.

Mong phụ huynh đồng thuận, vào cuộc quyết liệt để học sinh được đến trường

Nhóm PV |

Sau nhiều tháng tạm đóng cửa để ưu tiên cho nhiệm vụ phòng dịch, từ 7.2, trường học trên cả nước lại vang tiếng cười, niềm vui được đến trường của thầy và trò. Khi học sinh trở lại trường, mong muốn lớn nhất của phụ huynh là con em được an toàn học tập trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - về những giải pháp ngành Giáo dục đã và sẽ triển khai để hướng đến sự “an toàn, an tâm” của học sinh và phụ huynh khi quyết tâm mở cửa trường học.

Nghệ An: Ưu tiên dạy học trực tiếp để bảo đảm quyền lợi học sinh

QUANG ĐẠI |

Nghệ An - Toàn tỉnh có 266 học sinh là đối tượng F0 ở 4 cấp học, và có 71 giáo viên, nhân viên là đối tượng F0.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.

Người dân TPHCM chật vật lội nước, xe cộ “chôn chân” sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

TPHCM - Tối 7.10, cơn mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, khiến người dân chật vật lội nước và kẹt xe về nhà.

Chủ quán cafe ở Thái Bình "choáng" vì hóa đơn nước quá cao

TRUNG DU |

Thái Bình - Chủ quán kinh doanh cafe tại TP Thái Bình gửi đơn khiếu nại đến công ty nước sạch vì hóa đơn tiền nước liên tục tăng cao bất thường theo thời gian.