Tổng thống Biden ở Châu Âu: Giành lại đồng minh

Trần Bách |

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Biden tại các nước Châu Âu, (từ 10-17.6) bao gồm tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7, làm việc với Thủ tướng Anh, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, gặp gỡ lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) và gặp Tổng thống Nga V.Putin đã và đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

1. Ngay trước chuyến đi của ông Biden, một quan chức cao cấp Mỹ đã hé lộ cho báo giới là chuyến đi chủ yếu để truyền tải thông điệp, tập hợp đồng minh, thay vì đạt được những thỏa thuận cụ thể. Bản thân ông Biden đã viết trên tờ Bưu điện Washington là trong thời khắc bất ổn hiện nay thì chuyến công du của ông nhằm hiện thực hóa những cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác; chứng minh năng lực ứng phó của Mỹ với những thách thức cũng như những “răn đe, đe dọa” nổi lên trong kỷ nguyên mới.

Đây thực sự là phép thử cho ông, bởi lẽ từ khi lên làm Tổng thống Mỹ, Joe Biden thường xuyên nhắc đến thông điệp “Nước Mỹ đã quay trở lại” và “nước Mỹ lãnh đạo thế giới không bằng tấm gương của sức mạnh mà bằng sức mạnh của những tấm gương”.

Biden có hai sứ mệnh lớn lao trong chuyến đi, đó là nâng cao vị thế của Mỹ, giành lại được đồng minh lâu đời ở Châu Âu sau bốn năm nghi ngờ và gián đoạn trong quan hệ; thuyết phục được đồng minh chấp nhận quan điểm của Mỹ về một thế giới có đặc điểm là đấu tranh giữa “dân chủ” và chuyên quyền “hung hăng” và “cạnh tranh”. Mặt khác cũng chứng tỏ cho “đối thủ cạnh tranh” rằng, chính Mỹ và đồng minh phương Tây mới là những quốc gia có khả năng giải quyết nhanh chóng và hiệu quả những thách thức toàn cầu to lớn như đại dịch COVID-19, an toàn sinh học, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, bất bình đẳng và đói nghèo.

Chuyến thăm bắt đầu bằng cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10.6 và đánh dấu bằng sự kiện trọng đại là ký kết văn bản mới của Hiến chương Đại Tây Dương ký năm 1941 giữa Tổng thống Mỹ Frank Roosevelt và Thủ tướng Anh Wiston Churchill. Hiến chương là một tuyên bố về nguyên tắc, hai bên cam kết cùng nhau đối phó với thách thức của thời đại. Theo đó, hai bên khẳng định: “Đoàn kết theo nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết hoà bình tranh chấp. Hai nước chống lại những hành động can thiệp thông qua thông tin sai lệch hoăc các hành động xấu khác, kể cả trong bầu cử, và khẳng định cam kết của hai nước thực hiện công khai về nợ, bền vững và quản trị tốt việc giảm nợ. Hai nước cũng sẽ bảo vệ nguyên tắc chủ chốt như tầu thuyền và máy bay tự do đi lại cũng như sử dụng đúng luật quốc tế các vùng biển”. Với một nước Anh mới ra khỏi Liên minh châu Âu và thường không muốn chứng tỏ có quan hệ quá đặc biệt với Mỹ, những gì ông Biden làm được là rất thành công theo ý kiến của nhiều nhà quan sát.

2. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, có vẻ như Mỹ đã chứng minh câu nói mà ông Biden hay nhắc đến đó là “sức mạnh của những tấm gương”. Đó là Mỹ tuyên bố mua và cung cấp cho các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình 500 triệu liều vaccine chống COVID-19, như thông báo khi bắt đầu chuyến đi. Việc này đã khuyến khích các nước G7 cam kết thêm 370 triệu liều nữa. Cũng như Mỹ, ngay trước hội nghị, Anh đã cam kết thêm ít nhất là 100 triệu liều, với 5 triệu liều sẽ được cung cấp ngay trong vài tuần tới. Tuy chưa đủ so với mục tiêu ban đầu là 1 tỷ liều, nhưng 870 tỉ liều này sẽ giúp các nước thu nhập trung bình và thấp đi đến miễn dịch cộng đồng.

Để thể hiện vai trò dẫn dắt toàn cầu, Mỹ và các nước G7 cũng “cam kết thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, bao trùm và tự cường không chỉ bằng cách giải quyết thách thức do đại dịch gây ra mà cả những thay đổi lâu dài trong kinh tế và xã hội toàn cầu, kể cả xu thế dân số học, công nghệ và môi trường và bất bình đẳng giữa các nước đã bị đại dịch COVID-19 làm gay gắt thêm”. Nhiều nhận xét cho rằng đây là những biện pháp đúng hướng, tạo điều kiện cho thế giới thoát khỏi đại dịch. Trước hội nghị, có nhiều ý kiến cho rằng các nước G7 sẽ cam kết 40 nghìn tỉ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển, tuy nhiên con số này không xuất hiện trong văn kiện chính thức.

Về môi trường, Mỹ và G7 đã “cam kết tâp thể tiến hành những cố gắng tham vọng và nhanh chóng đạt được mức thải khí nhà kính bằng 0 càng sớm càng tốt và chậm nhất là vào năm 2050...” thông qua “giảm khí thải, tăng cường biện pháp đáp ứng, chấm dứt và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học...”. Hội nghị cũng nhấn mạnh cột trụ trung tâm của kế hoạch và chính sách gồm ba ưu tiên là “giáo dục cho trẻ em gái, trao quyền cho phụ nữ và chấm dứt bạo lực chống phụ nữ và trẻ em gái”. G7 cũng nhấn mạnh Trung Quốc là một thách thức, tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau đối với những ý kiến về việc cần phải có những biện pháp mạnh Trung Quốc như Mỹ và một số nước khác đã nêu lên.

3. Ngày 14.6, Joe Biden đã tới Brussels để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO và gặp gỡ song phương với Liên minh Châu Âu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh, các nước NATO đã thông qua Chương trình Nghị sự đến năm 2030, còn được gọi là chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương cho tương lai. Chương trình nghị sự khẳng định NATO là diễn đàn tư vấn và hành động chung về những vấn đề liên quan đến an ninh ở khu vực Đại Tây Dương. Thông cáo báo chí đưa ra khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh đã nêu rõ hai nước “chuyên quyền” là “thách thức” và “mối đe doạ”. Tuy các nước thành viên cho thấy họ sẽ vẫn đối thoại với “các nước chuyên quyền” vì lợi ích của NATO, nhưng Mỹ và các nước thành viên đặc biệt nhấn mạnh mối nguy hại do các cuộc tấn công mạng gây ra, so sánh mức độ nguy hiểm của tấn công mạng trong một số trường hợp là “tương đương với một cuộc tấn công vũ trang". Theo tinh thần đó, có thể coi tấn công mạng như một cuộc tấn công vũ trang vào một nước thành viên, và theo Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO thì đây cũng là tấn công vào tất cả các nước thành viên. Sau một thời gian dài bị chia rẽ, quan hệ giữa Mỹ và NATO rõ ràng đang ấm dần và được cải thiện rõ rệt với sự tham gia của Tổng thống Mỹ thứ 46.

Điểm đặc biệt là lần đầu tiên các nước NATO đã coi biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp đến an ninh và đã thông qua Kế hoạch Hành động thực hiện Chương trình Nghị sự về Biến đổi Khí hậu và An ninh. Điều này cũng phù hợp với những gì mà phía Mỹ hy vọng.

Với Liên minh Châu Âu, quan hệ hai bên vẫn luôn tồn tại ba thách thức lớn trong quan hệ. Trước hết là căng thẳng trong quan hệ, kể cả thuế quan đánh vào hàng hoá châu Âu nhập vào Mỹ và đặc biệt là mức chi tiêu quốc phòng thấp ở Châu Âu, một vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Thứ hai là tìm ra điểm đồng thuận về những thách thức đang gặp phải, ví dụ như các cuộc khủng hoảng xuyên quốc gia như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và cạnh tranh địa chính trị. Thứ ba là thái độ của các nước Châu Âu đối với “các nước chuyên quyền” và liệu Mỹ có thể thuyết phục được các nước này chấp nhận cách nhìn của Mỹ là thời đại hiện nay là cuộc “đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền” hay không.

Việc ngày 15.6 hai bên đi đến thỏa thuận tạm ngưng cuộc tranh cãi kéo dài 17 năm về trợ cấp chính phủ cho Boeing và Airbus, không đánh thuế quan vào hai hãng sản xuất máy bay trong vòng 5 năm tới đã là một bước đột phá trong quan hệ. Ngoài ra hai bên cũng đồng ý thành lập Hội đồng Công nghệ và Thương mại để tìm ra những biện pháp cải thiện quan hệ hợp tác song phương nhằm giải quyết những thách thức đã nêu.

Nhiều nhà lãnh đạo đã hoan nghênh Biden, hay nói rộng hơn là nước Mỹ quay trở lại. Thủ tướng Đức bà Angela Merkel nói: “Lẽ dĩ nhiên tôi rất vui vì Tổng thống Mỹ đã tham dự (G7)” và “Ông Biden ủng hộ cam kết đối với chủ nghĩa đa phương, điều đã không tồn tại trong những năm gần đây”. Trong khi đó Tổng thống Pháp Macron đã phát biểu là: “Tôi nghĩ rằng điều rất tốt là chúng ta đã có Tổng thống Mỹ tham gia G7 và còn sẵn sàng hợp tác”. Sau khi gặp riêng Biden, Thủ tướng Anh cho biết: “(sự có mặt của ông Biden) là làn gió mới”. Có vẻ như ông Biden đã ghi điểm trong mắt của các đồng minh Tây Âu và đã vượt qua được đăng kiểm đầu tiên.

Dư luận còn đang chờ đợi những kết quả của cuộc gặp gỡ giữa ông và người đồng cấp Putin để tìm cách cải thiện quan hệ song phương mà hai bên có vẻ “thống nhất cao” là đang “ở mức thấp nhất”.

Trần Bách
TIN LIÊN QUAN

Tổng thống Biden đề cử 9 đại sứ ngay đêm trước khi gặp ông Putin

Hải Anh |

Tổng thống Joe Biden đã công bố đề cử 9 người làm đại sứ Mỹ tại Israel, Mexico, NATO và một số nơi khác.

Tổng thống Biden bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu

Song Minh |

Ngày 9.6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Anh, bắt đầu chuyến công du 8 ngày tới Châu Âu và cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Tổng thống Biden mời Tổng thống Ukraina đến Nhà Trắng

Khánh Minh |

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và mời người đồng cấp tới Nhà Trắng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư cho Tổng thống Biden, đề nghị hỗ trợ nguồn cung vaccine

Ngọc Vân |

Ngày 30.5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden để trao đổi về quan hệ hai nước, đặc biệt là tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chốt hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Tổng thống Biden-Putin

Khánh Minh |

Nga và Mỹ xác nhận thời gian, địa điểm hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin.

Đoàn cấp cao Tổng LĐLĐVN làm việc với Liên hiệp toàn quốc các CĐ Nhật Bản

Ban Đối ngoại |

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dẫn đầu Đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn thăm và làm việc tại Nhật Bản từ 3 - 7.10.

Cập nhật kịch bản tăng trưởng, quý IV phấn đấu đạt 7,6-8%

PHẠM ĐÔNG |

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Tái khởi động dự án hơn 17 tỉ đồng sau phản ánh của Lao Động

THANH BÌNH - QUANG ĐẠT |

Sau phản ánh của Báo Lao Động, dự án hơn 17 tỉ đồng sửa chữa con đường lầy lội vào xã nông thôn mới đầu tiên tại Điện Biên đã được tái khởi động.