Dự thảo Nghị định sửa đổi về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Thêm nỗi lo cho doanh nghiệp?

G.Miêu - V.An |

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều nội dung trong dự thảo cần được nghiên cứu kỹ vì sẽ tạo thêm “nỗi lo” cho doanh nghiệp kinh doanh vàng nếu được thông qua.

Nới và siết

Một số nội dung quan trọng trong dự thảo này đó là đối với việc cấp, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, theo quan điểm của NHNN hiện nay, thị trường vàng đã có chuyển biến tích cực, vàng miếng không còn hấp dẫn như trước, doanh số giao dịch mua, bán vàng miếng của toàn hệ thống giảm, sức mua vàng trong dân tiếp tục giảm.

Với diễn biến tương đối thuận lợi này, việc giảm thiểu các quy định về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là hợp lý nhằm giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, xã hội, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép, chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và không quy định việc điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng cần xin ý kiến của NHNN.

Đối với việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, trong dự thảo nghị định sửa đổi lần này cũng sẽ có những thay đổi, theo lý giải của NHNN về việc sửa đổi này là do hiện nay trách nhiệm quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các văn bản khác.

Việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đặc biệt doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Do vậy, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong tình hình mới, cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Đối với quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, theo Nghị định 24, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra, quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Nghị định 24 không quy định trách nhiệm của Bộ KHCN trong việc quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu. Do vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm xây dựng quy định, quản lý, kiểm tra, thanh tra quy định về đo lường trong kinh doanh vàng, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Dự thảo Nghị định cũng quy định doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng điều kiện được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (không cần cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ); bãi bỏ quy định NHNN hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để phù hợp với quy định trên; bãi bỏ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật đối với doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đối với quy định về hoạt động kinh doanh vàng khác, dự thảo Nghị định đề xuất: Hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện. Đơn vị nào muốn kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp Giấy phép theo quy định thủ tục.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng lo lắng

Có thể hiểu rằng một trong những lý do chính để NHNN sửa đổi Nghị định trên theo hướng nới lỏng điều kiện kinh doanh vàng là do vàng miếng không còn “nóng”, lên cơn sốt như trước đây nữa. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có nỗi lo đó là liệu rằng khi thị trường vàng sốt trở lại thì NHNN sẽ lại ra quy định gì để dập cơn sốt vàng? Và khi đó cái khó cho doanh nghiệp là họ không biết phải đối mặt với quy định mới nào và xoay trở thế nào?

Thứ nữa, dự thảo cũng quy định đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của doanh nghiệp cần thêm xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm liền kề trước đó và báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó. Theo ý kiến một số chuyên gia với quy định như trên sẽ rất khó cho các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực kinh doanh này.

Cụ thể các doanh nghiệp mới thành lập để kinh doanh, mua bán vàng miếng hoặc doanh nghiệp chuyển đổi chức năng và phạm vi hoạt động sang kinh doanh, mua bán vàng miếng sẽ bị loại trừ khỏi lĩnh vực này vì không có hoạt động tương ứng trước đó. Nói cách khác, sẽ chỉ còn những doanh nghiệp đang kinh doanh, mua bán vàng miếng (đã tồn tại trong lĩnh vực này ít nhất 2 năm) mới được (tiếp tục) mua bán, kinh doanh vàng miếng. Tức là thị trường vẫn tiếp tục bị chi phối, bóp méo bởi một số ít doanh nghiệp hiện hữu.

Bên cạnh đó, với quy định khắt khe đối với lĩnh vực vàng trang sức, mỹ nghệ, theo dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) sẽ phải quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ không chỉ trong lưu thông như Nghị định 24 mà còn trong cả hoạt động sản xuất, nhập khẩu. Như vậy, có thể hình dung doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu và thành phẩm, bán thành phẩm từ nay sẽ phải bị thanh tra và kiểm tra rất gắt gao. Nói cách khác, việc sản xuất kinh doanh của họ sẽ có thêm nhiều trở ngại, khó khăn hơn.

Chủ một doanh nghiệp vàng trang sức tại TPHCM nêu quan điểm là dù có thể lập luận rằng việc quản lý này là để, ví dụ, tránh gian lận tuổi vàng, trọng lượng vàng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhưng chẳng lẽ mỗi lần doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu, vàng trang sức thành phẩm, bán thành phẩm, hoặc sản xuất một lô sản phẩm mới họ phải mang mẫu đến cho Bộ KHCN kiểm tra, xác nhận đúng như đơn đặt hàng, chứng nhận của nhà xuất khẩu, và đồng thời phải phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam thì mới được thông quan, mới được lưu thông, tiêu thụ hay sao?

G.Miêu - V.An
TIN LIÊN QUAN

Giá vàng thế giới hôm nay: USD tăng "chọc" đỉnh 3 tuần, vàng “rơi” chạm đáy 4 tuần

L.H |

Giá vàng thế giới tuần qua tiếp tục “lình xình” quanh vùng giá thấp. Một loạt các thông tin bất lợi xuất hiện khiến giá vàng khó có thể “ngóc đầu” tăng điểm.

Giá vàng hôm nay 9.12: Vàng SJC tiếp tục chịu áp lực “rơi” từ vàng thế giới

L.H |

Giá vàng hôm nay 9.12 tiếp tục bị tác động bởi các tin tức xấu từ thị trường thế giới. Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng SJC giảm từ 10 – 40 nghìn đồng/lượng.

Cái bánh Mc Dolnald và câu hỏi “tiền vàng trong dân” của nguyên Phó Chủ tịch Nước

Đào Tuấn |

Vì sao huy động vàng tiền của dân để làm đường, làm trường rất khó nhưng để xây chùa, đúc chuông lại rất nhanh?

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Giá vé máy bay Tết 2025 tăng, đắt nhất gần bằng 1 chỉ vàng

Chí Long |

Trước Tết Âm lịch vài tháng, giá vé máy bay nội địa dịp Tết có xu hướng tăng trung bình khoảng 5-8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bắc Ninh bắt kẻ chống đối xử lý vi phạm môi trường Phong Khê

Trần Tuấn |

Công an TP Bắc Ninh đã bắt khẩn cấp kẻ có hành vi chống đối xử lý vi phạm môi trường ở phường Phong Khê.

Bão số 5 Krathon rất mạnh, duy trì cấp siêu bão 24 giờ tới

AN AN |

Trong 24 giờ tới, bão số 5 Krathon vẫn duy trì sức gió mạnh cấp 16 giật trên cấp 17.

Ngư dân Quảng Ngãi nhập viện sau chuyến biển kinh hoàng

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Tàu cá của ngư dân hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa nghi bị lực lượng nước ngoài tấn công khiến nhiều người bị thương nặng, phải nhập viện điều trị.