Cam Vinh, ngọt ngào và trăn trở

QUANG ĐẠI |

Trong cái rét ngọt đầu xuân, nụ cười của người dân trồng cam Vinh càng rạng rỡ. Năm nay, cam Vinh không phải được mùa lớn, nhưng cũng không mất mùa, lại được giá. Đó là sự đền bù xứng đáng cho những vất vả, cực nhọc của người trồng sau nhiều năm chăm chút. Hương vị ngọt ngào của trái cây đặc sản xứ Nghệ đã biến không ít nông dân thành tỉ phú; thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của cam Vinh ngày càng lan tỏa. Nhưng đằng sau niềm vui, niềm tự hào về thương hiệu cam Vinh, vẫn còn đó không ít ưu tư, trăn trở…
Không mất công hái đưa ra chợ bán
Dọc đường lên xã Nghi Diên, thủ phủ của thương hiệu cam Xã Đoài nức tiếng, chúng tôi gặp không ít quầy bán cam bên đường, với những quả to mọng, màu vàng rực xếp ngay ngắn, bắt mắt. Người bán hàng đon đả: “Các chú mua cam xã Đoài về biếu tết nhé, bảo đảm cam xịn 100%, giá chỉ 50.000đ/kg”. Tôi định mua, anh bạn người Nghi Lộc đi cùng nháy mắt, kéo áo ra chỗ khác, nói: “Đây không phải cam xã Đoài đâu”. Tôi thắc mắc vì chưa nhìn, chưa nếm, sao biết, anh kéo lên xe, nói: “Đi vào đây khắc biết”.
Xe dừng trước vườn cam nhà ông Phan Công Hưởng - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên. Chỉ vào vườn cam rộng chỉ còn lác đác dăm chục quả vàng, ông Hưởng nói: “Cam đẹp của tôi bán hết rồi, năm nay vườn được 5.000 quả, giá 50.000đ/quả. Ở đây một số hộ bán đến 70.000đ/quả, nhưng tôi chỉ bán giá đó”. Tôi hỏi tại sao không tính giá theo kilôgam, ông Hưởng cười: “Cam ở đây không bán theo kilôgam như thị trường, mà bán theo quả. Quả đẹp, 1kg được 4 - 5 quả, như vậy đến hơn 200.000đ/kg. Chúng tôi cũng không phải mất công hái đưa ra chợ bán, mà người mua đến, tự chọn, tự tay cắt cam mang về, như vậy mới đúng là cam xã Đoài, không thể trộn cam giả”. Nhẩm tính, năm nay ông Hưởng thu về 250 triệu đồng từ 5 sào cam. Diện tích này nếu trồng lúa, thì cho thu hoạch khoảng 5 tấn lúa, thu được 25 triệu đồng. Như vậy, đất trồng cam cho thu hoạch gấp 10 trồng lúa.
Cây cam có lịch sử đã hàng trăm năm trên đất Nghi Diên. Ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết, theo các cụ kể lại, cây cam xã Đoài có do linh mục người Bồ Đào Nha đưa về đây trồng. Do thổ nhưỡng phù hợp, nên cây cam xã Đoài cho ra loại quả đẹp, ngọt, hương vị thơm ngon đặc trưng. Đưa giống sang vùng khác, thì hương vị quyến rũ này không còn nữa. Vì thế, bao nhiêu năm nay, người ta chọn cam xã Đoài là đặc sản tiến vua, rồi làm quà biếu những người thân quý, là thức quả dâng cúng tổ tiên.
Diện tích tự nhiên xã Nghi Diên 710ha, 384ha trồng lúa, có khoảng 15ha trồng cam. Trong đó, hộ có diện tích lớn nhất là Nguyễn Quốc Tuấn, con trai Trung tướng, nguyên Tư lệnh QK 4 Nguyễn Quốc Thước, có khoảng 12ha cam, trồng đã 8 năm; năm nào cũng thắng lớn. Ngoài ra có hàng trăm hộ trồng quy mô nhỏ lẻ, cho thu nhập trên dưới trăm triệu đồng/năm. Nhưng trồng cam ở xã Đoài cũng không... dễ ăn.
“Trồng cam ở Nghi Diên chẳng khác gì chăm con mọn. Khí hậu ở đây khắc nghiệt nên cam dễ bị sâu bệnh, trồng cam rất vất vả chứ không nhàn như những nơi khác”, ông Phan Công Hưởng cho hay. Hỏi về “bí quyết”, ông Hưởng thật thà: “Chẳng có bí quyết gì đâu, tất cả chỉ nằm trong mấy chữ: Siêng năng, chịu khó, kiên trì”. Cái khó của người trồng cam xã Đoài, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Sơn, là kẹt về vốn, đất đai. “Đất ở ngày càng thu hẹp do dân số tăng, còn để chuyển đất trồng lúa sang trồng cam, thì vướng thủ tục pháp lý. Đầu tư trồng cam đòi hỏi vốn, am hiểu kỹ thuật”, ông Sơn nói.
Trồng cam, một vốn 3 lời
Nói cam Vinh, nhưng nơi trồng loại cam này, nhiều nhất là ở Quỳ Hợp, nơi cách thành phố Vinh hơn 100km. Quỳ Hợp là huyện miền núi, nơi có vùng đồi đất đỏ badan mênh mông, cho quả cam ngọt, thơm nổi tiếng. Trong số 4.000ha cam Vinh trên đất Nghệ An, Quỳ Hợp đã chiếm khoảng 1.700ha. Đã có rất nhiều “tỉ phú cam” trên đất Quỳ Hợp. Chỉ sau một vụ cam thắng lợi, chủ vườn đã đủ tiền mua xế hộp, xây nhà sang. Chị Thiệp, một chủ hộ trồng cam ở xã Tam Hợp cho hay: “Cây cam trồng 3 năm thì cho quả bói. Giai đoạn đầu hết sức vất vả, vì cam dễ bị sâu bệnh, nên phải “ăn cam, ngủ cam”. Trung bình mỗi gốc cam để có quả đầu tư khoảng 1 triệu đồng; mỗi hécta trồng 500 gốc; cho thu hoạch trong khoảng 10 năm. Năng suất trung bình mỗi hécta từ 20 - 30 tấn, giá trung bình 40.000đ/kg, mỗi hécta cho thu nhập khoảng 1 tỉ đồng/năm. Nếu mỗi hộ có vài chục hécta, thì sau mỗi vụ cam, trở thành tỉ phú là trong tầm tay”.
Tết đã cận kề, mỗi cân cam Quỳ Hợp loại đặc biệt đã lên tới 70.000 đồng, mà cũng không còn nhiều. “Năm nay, có hộ chỉ thu được khoảng 20 tấn/ha, so với 50 tấn/ha của năm trước, sụt giảm hơn một nửa. Có hộ chỉ thu được vài tấn/ha. Bù lại, giá cao hơn. Nhưng nếu mua không cẩn thận, thì dễ “dính” cam nhái, cam dỏm”, ông Phan Thúc Định, hộ trồng cam ở Tam Hợp cho hay. Theo ông Định, cam Quỳ Hợp năm nay không được mùa, nhưng giá cao, nên người dân đã đưa cam từ vùng khác về, trà trộn rồi rao bán là cam Quỳ Hợp, làm ảnh hưởng đến thương hiệu cam nơi đây. “Tốt nhất mua tận vườn, hoặc những mối thân quen”, ông Định cảnh báo.
Cam Quỳ Hợp, nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh, được tạo giống bằng cách ghép gốc cam bản địa khỏe mạnh với ngọn là giống cam Vinh, cho ra loại cây có sức chống chịu tốt với thời tiết, đơm quả có vị ngọt đậm đà, lưu mãi nơi đầu lưỡi. Những ai đã ăn cam Quỳ Hợp một lần, thì nhớ mãi không quên. Đến khi ăn các loại cam khác, mới cảm nhận được hương vị “đầu bảng” của cam Quỳ Hợp.
Những nỗi niềm trăn trở
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An - ông Nguyễn Văn Lập cho biết, hiện diện tích trồng cam Vinh ở Nghệ An khoảng 4.000ha, diện tích cho quả khoảng 1.700ha, năng suất trung bình 25-20 tấn/ha, phân bố chủ yếu ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, và một số vùng khác như Tân Kỳ, Nghi Lộc…. “Nhìn vậy, nghĩa là năng suất cam Vinh còn chưa nhiều so với tiềm năng, cũng như nhu cầu thị trường”, ông Lập nói.
Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh rất đỗi băn khoăn vì nguy cơ cam Vinh bị nhái thương hiệu trên thị trường. Đã có chỉ dẫn địa lý cam Vinh, có quy định dán nhãn, nhưng kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm như thế nào, là một câu chuyện không đơn giản. Ngành NNPTNT chỉ kiểm tra, hướng dẫn về mặt kỹ thuật, còn chỉ dẫn địa lý là do Sở KHCN hướng dẫn; xử lý hành vi vi phạm lại do cơ quan quản lý thị trường (Sở Công thương). “Người dân, doanh nghiệp thỏa thuận, mua bán như thế nào, dán tem nhãn ra sao, ngành nông nghiệp không quản lý được”, ông Lập trăn trở.
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An cũng nhận thấy nguy cơ cam Vinh bị trà trộn bởi những loại cam khác có chất lượng kém hơn. “Giải pháp khả thi nhất là dán nhãn. Các doanh nghiệp được cấp nhãn mác phải chịu trách nhiệm về thương hiệu của mình”, ông Thành nói. Vị giám đốc sở cho biết, sắp tới cơ quan chức năng sẽ có những cuộc làm việc, để thống nhất phương án quản lý, xây dựng, bảo vệ thương hiệu cam Vinh. “Về mặt chuyên môn, Sở KHCN đã có nhiều công trình nghiên cứu bảo vệ gene, nhân giống cam Vinh phục vụ bà con, doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Anh Quý - đại diện doanh nghiệp kinh doanh cam Vinh lớn nhất Quỳ Hợp là Cty TNHH nông nghiệp Xuân Thành, đóng tại xã Minh Hợp trao đổi: “Giải pháp chống gian lận là bản thân doanh nghiệp làm tốt công tác thu mua, dán nhãn, bảo đảm nguồn cung chất lượng cao. Còn người dùng nên chọn mua cam Vinh ở những đại lý, chủ vườn tin tưởng”.
Một trăn trở khác, đối với cam Vinh, được Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Lập, chia sẻ: “Cây cam bây giờ cho thu nhập cao, nên nhiều người dân đua nhau trồng. Do vậy cần lưu ý diễn tiến khả năng cân đối cung - cầu. Nếu cung vượt quá cầu, cam sẽ rơi vào tình trạng ế, phải đổ bỏ như những năm 1965 - 1970”. Ông Lập cho hay, hiện quy hoạch cam của tỉnh Hòa Bình khoảng 10.000ha, Thanh Hóa cũng đang có quy hoạch diện tích trồng cam tương tự. Cam hiện chưa xuất khẩu được, cũng chưa chế biến thành sản phẩm khác.
“Nếu muốn chế biến cam thành sản phẩm khác, thì giá thu mua cam phải hạ xuống 10.000đ/kg, năng suất phải tăng lên khoảng 40 -50 tấn/ha, là những điều rất khó khả thi. Cam hiện nay chỉ bán ăn tươi, nên nếu sản lượng tăng quá cao khi nhu cầu không tăng nhiều, thì nhiều khả năng sẽ bị hạ giá mạnh”, ông Lập trăn trở và nhắn gửi: “Dân mình thường hay bắt chước, thấy người ta trồng cam giàu lên thì đua nhau trồng, mà không thấy được cái tổng thể, sự khắc nghiệt của quy luật cung cầu. Cho nên cũng không nên quá lý tưởng hóa cây cam; quan điểm của chúng tôi cây cam cũng là một cây trồng bình thường; nên chỉ tập trung phát triển ở những vùng lợi thế, không trồng tràn lan”.
ĐÍNH CHÍNH 

Với mục đích bảo vệ thương hiệu Cam Vinh trước sự trà trộn của một số loại cam không rõ nguồn gốc, ngày 20.1.2017, Báo Lao Động điện tử có đăng bài báo “Cam Vinh thật hay giả ?” của PV Thanh Hà trên chuyên mục Kinh tế. Tuy nhiên, do cách thể hiện của bài viết không rõ nên nội dung bài viết đã gây hiểu lầm cho độc giả rằng cam Vinh đã hết mùa và những loại cam trên thị trường bị nghi ngờ là giả cam Vinh, trong khi vào thời điểm đăng tải bài viết chỉ có cam Xã Đoài là hiếm và gần như hết mùa, còn giống cam Vinh hiện vẫn đang trong vụ và được trồng nhiều tại một số huyện của Nghệ An. Trong bài báo đã sử dụng hình ảnh minh họa gian hàng Cam Vinh Kỳ Yến là thương hiệu của Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ, địa chỉ: Xóm Minh Thành, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Ảnh sử dụng trong bài được lấy trên mạng, chưa được sự cho phép của tác giả ảnh. 

Xin cáo lỗi cùng doanh nghiệp, tác giả ảnh và bạn đọc.  

Lao Động
QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

“Biển lửa” xóa sổ cồn Nhất Trí

NHIỆT BĂNG |

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc 2017, nhưng hỏa hoạn thình lình đã thiêu rụi hoàn toàn 78 căn nhà “ổ chuột” ở cồn Nhất Trí, phường Vĩnh Phước, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (đêm 17.1). Ai nhìn thấy thảm nạn này cũng thất thần, không tin vào những gì vừa xảy ra. Hàng trăm người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất, tan tác ngày cuối năm.

Quy hoạch các thành phố lớn đang bị “băm nát”

GIA MIÊU - THANH VY |

Sự bất hợp lý trong quy hoạch các thành phố lớn thời gian qua gây bức xúc trong dư luận, gần đây lại trở nên “nóng” hơn khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ ra bằng hai từ “băm nát”.

Lò nặn tượng Táo Quân gần 100 năm đỏ lửa

Thùy Trang |

Nằm khuất sau những lò nung tò he hay những gian hàng gốm thương mại ở làng gốm Thanh Hà (TP. Hội An), cơ sở sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Chín - một trong số ít những người còn giữ nghề nặn tượng Táo Quân đến nay đã có gần 100 năm đỏ lửa. Đang vào mùa nhộn nhịp nhất năm khi tết sắp về, đến thăm cơ sở ông Chín luôn có người xẻ đất nhào nặn, bốc hàng từ lò, người thì đưa tay tỉ mỉ từng vòng phết màu. Tất cả họ đang giữ hương vị Tết Hội An, Tết Việt trên mỗi bức tượng Táo Quân.

Trắng đêm chăm con mắc bệnh sởi trở nặng trong bệnh viện

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG |

Cần Thơ - Bệnh sởi biến chứng nguy hiểm, nhiều phụ huynh phải thức trắng đêm chăm con trong Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Nhiều ấn phẩm sách đặc sắc viết về Hà Nội

Thanh Hương |

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu loạt sách hay viết về Hà Nội.

Cập nhật giá vàng sáng 10.10: Vàng nhẫn kéo dài đà giảm

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 10.10: Giá vàng nhẫn tiếp tục sụt giảm quanh ngưỡng 200.000-400.000 đồng/lượng.

Loạt biện pháp mạnh của Bắc Ninh xử lý ô nhiễm "3 điểm nóng"

Trần Tuấn |

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn về việc tiếp tục tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, CCN Phú Lâm, xã Văn Môn.

Cận cảnh đồi thông có nguy cơ sạt lở đe dọa khoảng 60 hộ dân

HOÀI THANH |

Lâm Đồng – Cơ quan chức năng lên phương án bảo đảm an toàn cho người dân sống dưới khu vực đồi thông đang tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

“Biển lửa” xóa sổ cồn Nhất Trí

NHIỆT BĂNG |

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc 2017, nhưng hỏa hoạn thình lình đã thiêu rụi hoàn toàn 78 căn nhà “ổ chuột” ở cồn Nhất Trí, phường Vĩnh Phước, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (đêm 17.1). Ai nhìn thấy thảm nạn này cũng thất thần, không tin vào những gì vừa xảy ra. Hàng trăm người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất, tan tác ngày cuối năm.

Quy hoạch các thành phố lớn đang bị “băm nát”

GIA MIÊU - THANH VY |

Sự bất hợp lý trong quy hoạch các thành phố lớn thời gian qua gây bức xúc trong dư luận, gần đây lại trở nên “nóng” hơn khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ ra bằng hai từ “băm nát”.

Lò nặn tượng Táo Quân gần 100 năm đỏ lửa

Thùy Trang |

Nằm khuất sau những lò nung tò he hay những gian hàng gốm thương mại ở làng gốm Thanh Hà (TP. Hội An), cơ sở sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Chín - một trong số ít những người còn giữ nghề nặn tượng Táo Quân đến nay đã có gần 100 năm đỏ lửa. Đang vào mùa nhộn nhịp nhất năm khi tết sắp về, đến thăm cơ sở ông Chín luôn có người xẻ đất nhào nặn, bốc hàng từ lò, người thì đưa tay tỉ mỉ từng vòng phết màu. Tất cả họ đang giữ hương vị Tết Hội An, Tết Việt trên mỗi bức tượng Táo Quân.