Giết người chỉ vì bị đòi… nợ
Đã 1 tuần trôi qua, nhưng căn nhà bà Trần Thị Thanh (56 tuổi) ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc – Kiên Giang) vẫn còn chìm trong tang tóc. Gương mặt trầm buồn và có phần phờ phạc vì nhiều ngày mất ngủ, bà Thanh rân rấn nước mắt: “Thằng Tú chết oan ức quá…”, rồi òa trong nấc nghẹn. Chúng tôi muốn khóc theo khi nghe cháu Huỳnh, con gái đầu lòng của anh Tú hồn nhiên nói: “Chú chụp cho con tấm hình để gởi cho ba, vì ba bị nhốt trong hòm không ra chơi với con được”…
Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, bà Thanh vắn tắt câu chuyện: Năm trước, tôi có cho con gái anh Tám Bói (Huỳnh Văn Tám), 54 tuổi - khu phố 3, mượn tiền làm giấy tờ đất. Sau nhiều lần đòi nhưng chỉ nhận được lời hứa: Bán đất sẽ trả, nên khi nghe tin Tám Bói bán đất được 2 tỷ đồng, sáng ngày 23.10.2015, bà Thanh đến đòi tiền thì lời qua tiếng lại và bị con rể Tám Bói hành hung. Được tin, con rể út bà Thanh là Hồ Minh Tú (31 tuổi) chạy đến can thiệp. Lúc này Tám Bói xuất hiện và hứa 11 giờ trưa sẽ mang tiền đến nhà trả. Bà Thanh ghé trụ sở Ban tự quản Khu phố 10 trình báo sự việc bị hành hung rồi lên xe cho người con rể thứ 3 là Nguyễn Thanh Hòa chở về nhà.
Anh Hòa nhớ lại: “Gần đến nhà thì phát hiện có nhiều xe mô tô phía sau chạy ép không cho quẹo vô. Khi xe đến trước tiệm phở Phương Nga thì tôi ngã xuống đất sau khi lãnh trọn cú đấm vào quay hàm. Lúc này Tú cũng vừa đến nên nhảy vào giải vây thì cũng ngã quỵ xuống sau khi bị chích roi điện”.
Theo lời anh Hoà, sau khi Tú ngã trước sân Dinh Địa Mẫu thì bị đâm nhiều dao vào chân, đùi vào lưng máu ra lênh láng… Việc đâm chém chỉ ngưng khi Tú chạy thoát thân qua bên kia con lộ Dương Đông – Cửa Cạn vào tiệm rửa xe của mình rồi trốn vào nhà mẹ vợ… “Sự việc diễn ra nhanh đến bất ngờ”, ông Trần Văn Quyền, Công an viên Khu phố 10 cho biết thêm: “Khoảng 10 phút sau khi chị Thanh trên đường từ nơi bị hành hung ghé vào trụ sở Khu phố trình báo, tôi xuống thì nhóm đánh người đã biến mất, cả nhà chị Thanh thất thần bên thân thể bê bết máu của Tú…”.Bà Thanh rân rấn nước mắt khi nghe cháu Khả Huỳnh đòi chụp hình để gởi cho cha |
Dù được đưa đến BVĐK Phú Quốc cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng đến 8g30 ngày 24.10 Tú tắt thở, để lại người vợ trẻ Trương Thị Ngọc Loan (26 tuổi) một nách hai con nhỏ: cháu Hồ Khả Huỳnh (4 tuổi) và Hồ Khả Nghi (2 tuổi).
Giọt nước tràn ly
Cái chết của Hồ Minh Tú không chỉ để lại nỗi mất mát lớn: Vợ trẻ mất chồng, con thơ mất cha, mà còn là hồi chuông cảnh báo về thực trạng bất an trên vùng đất hiền hòa của thời chưa xa. Bởi đây không chỉ là vụ việc liên quan đến băng nhóm (khi có đến hơn chục người tham gia) và có sử dụng hung khí nguy hiểm (roi điện)… mà còn là giọt nước tràn ly về nạn mất an ninh trật tự. Trước đó, chỉ vì xích mích trong bàn nhậu vào ngày 3.6.2015, nhóm thanh niên Phạm Hùng Sơn (20 tuổi, ngụ khu phố 4, Dương Đông), Nguyễn Minh Bảo (19 tuổi, ngụ ấp Lê Bát, Cửa Cạn) cùng Phạm Minh Hưng, Võ Phú Hải, Nguyễn Tấn Đức đã trở mặt nhau dẫn đến dùng hung khí thanh toán nhau làm náo động cả vùng đất du lịch và đau đớn hơn là cuộc đâm chém này đã liên lụy đến “người ngoài cuộc”, khiến ông Trần Văn Tươi vĩnh viễn ra đi ở tuổi 49 tuổi.
Anh Hòa xác định nơi Tú bị chích điện trước khi bị đâm chí mạng |
Ông Hồ Kim Sơn (SN 1941), nguyên chủ tịch UBND xã Cửa Dương giai đoạn 1978-1984, hiện ngụ tại ấp Ông Lang (Cửa Dương) tỏ rỏ bức xúc trước những biến động của tình hình an ninh trật tự gần đây ở Phú Quốc. “Hồi tôi làm Chủ tịch xã, đa phần nhà của bà con không có cửa. Buồng ngủ của vợ chồng chỉ có tấm màn vải để riêng tư, kín đáo. Đồ đạc để ngoài sân cả tháng vẫn còn nguyên y. Mỗi năm xã chỉ xử lý vài ba vụ mất an ninh trật tự, chủ yếu là gây nhau, chớ cũng không có vụ trộm cắp, nói chi đến chém giết. Vậy mà…”. Ông cựu chủ tịch xã nói tiếp sau tiếng thở dài: “Tôi nuôi mấy con gà và mấy con chó xoáy để đãi cơm và làm quà khách đất liền ra thăm, vậy mà cũng mất lên, mất xuống”.
Gương mặt anh Hòa vẫn hằn những vết tích của trận đòn từ gia đình Tám Bói |
Bắt đúng bệnh để kê đúng thuốc
Sau những vụ trọng án gây ồn ào dư luận, lãnh đạo huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã xắn tay vào cuộc bằng nhiều cách để trấn an người dân và du khách đến với Đảo Ngọc. Theo đó ngay từ tháng 8.2015, lãnh đạo tỉnh đã thành lập và tăng cường tổ công tác liên ngành với kỳ vọng sẽ sớm giúp Phú Quốc cải thiện tình hình. Nhưng thực tế cho thấy, đơn thuốc này chưa trị được chứng bệnh. Thậm chí sau tăng cường, tình hình vẫn phức tạp. Vì sao có nghịch lý này? Những ngày lưu lại Phú Quốc, có dịp trao đổi với nhiều cán bộ gắn bó với Đảo Ngọc, chúng tôi nhận được thông điệp: “Chưa bắt đúng bệnh nên việc kê toa chưa hiệu quả”.
Theo các ý kiến này, việc tăng cường cán bộ, chỉ mới là phần ngọn của vấn đề. Đó là chưa kể đến lý do “tế nhị” - nhiều cán bộ tăng cường có tâm lý trông đến ngày để trở về đất liền - nên khó có thể toàn tâm toàn ý cho những chiến thuật lâu dài. Trong khi đó cán bộ trực tiếp làm công tác cơ sở, đội quân chủ lực thực thi việc phát hiện phòng ngừa tại chỗ, trấn áp từ “trứng nước”, tức cái gốc của vấn đề lại đang “quá tải” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Dương Đông Nguyễn Thanh Sơn, bình quân mỗi năm Dương Đông tăng thêm 3.000 người nên mỗi Công an khu vực quản lý đến 7.300 nhân khẩu, một con số “khổng lồ” trong bối cảnh Phú Quốc đã và đang là nơi quy tụ nhiều thành phần xã hội, nhất là lực lượng ngư phủ, thợ hồ, lao động phổ thông cho các công trình đang xây dựng. Trong khi đó cán bộ Khu phố “vừa thiếu, vừa yếu”.
Công an viên Trần Văn Quyền chân trong chân ngoài với nghề chạy xe ôm |
Trưởng Khu phố 10 Nguyễn Đức Thọ cho biết: theo cơ cấu, khu phố được bố trí 5-7 nhân viên tổ bảo vệ dân phố, 2 công an viên. Nhưng thực tế chỉ thu được 2 người làm bảo vệ dân phố còn 2 công an viên thì “chân trong chân ngoài”. Cơ bản là định mức quá thấp: khoảng 500 - 690 ngàn đồng/người/tháng. Trong khi đó nhu cầu công việc thì bất kể ngày đêm. “Nhiều lúc nửa đêm phải dậy để hòa giải, giải quyết xong thì mất ngủ, hôm sau bần thần cả ngày - ông Quyền chua chát - Thỉnh thoảng lại bị mắng, thách thức, coi thường…”.
“Đề nghị tăng hỗ trợ phụ cấp và biên chế cho chức danh cấp thị trấn, khu phố theo diện dân cư đặc thù…”, xin mượn lời ông Sơn kết thúc bài viết này như thông điệp: “Sẽ không có sự bình yên nào mọc lên trên cái nền thiếu bình yên của đội quân trực tiếp quản lý địa phương đó”!