Để tìm cách giải quyết nạn bạo lực học đường đang có xu hướng tăng ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đưa ra rất nhiều yêu cầu đối với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở ngành liên quan khác. Trong đó đáng chú ý là yêu cầu các sở ngành nghiên cứu thiết lập các kênh tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường như: Hộp thư góp ý, đường dây nóng... nhằm chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường; Xem xét, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.
Trước Cà Mau, cũng có nhiều địa phương bàn, đưa ra các giải pháp tương tự để giảm thiểu bạo lực học đường. Ví dụ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị xây dựng một bộ quy chế để chấn chỉnh, giảm thiểu bạo lực học đường.
Hay Thừa Thiên Huế thành lập Ban phòng, chống bạo lực học đường ở mỗi đơn vị, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban và thành viên là trưởng các đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh.
Bạo lực học đường, bây giờ đã trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Gần như vài ngày các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội cũng đăng tải thông tin, hình ảnh, clip về bạo lực học đường ở trường này trường kia trên cả nước, từ thành phố cho đến nông thôn.
Mới đây trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dẫn thống kê, cập nhật từ ngày 1.9.2021 đến ngày 5.11 vừa qua, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ.
"Có thể nói bạo lực học đường diễn biến khá phức tạp. Nếu tính tỉ lệ bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường.
Số vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong trường học lẫn ngoài trường học thì số học sinh nữ tham gia nhiều hơn khiến ngành giáo dục lo lắng, tìm mọi cách để xử lý", Bộ trưởng nói.
Tình hình nghiêm trọng đến mức thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng hễ trường nào phát hiện học sinh đánh nhau là cho nghỉ học không kể nặng nhẹ. Và mỗi địa phương nên xây một trường giáo dưỡng để tiếp nhận những học sinh bị đuổi học này.
Tất nhiên đó là những ý kiến cực đoan. Tuy nhiên, nó lại phản ánh một thực tế là dư luận, người dân, phụ huynh học sinh… đã và đang vô cùng bức xúc với vấn nạn bạo lực học đường.
Trong khi nhà trường, các địa phương vẫn chưa có phương án hiệu quả để giảm thiểu vấn nạn này.
Thật ra thì xây dựng các quy chế chấn chỉnh hay thành lập ban nọ phòng kia để phòng chống bạo lực học đường cũng chỉ là giải quyết phần ngọn. Phần gốc, suy cho cùng vẫn là môi trường giáo của từng gia đình.
Con người, trước hểt là tổng hòa của các mối quan hệ. Nên mầm mống của bạo lực học đường, luôn được nảy mầm từ những đứa trẻ bị bạo hành trong chính gia đình mình hay không có đủ sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ... của cha mẹ