Khi thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, từ năm 2002, UBND TP Đà Nẵng đã thu hồi 183m2 trong tổng số 206,4m2 của hộ ông Hoàng Ngọc Tân - phường Thanh Bình, quận Hải Châu. Phần diện tích còn lại (theo giấy tờ) là 23,4m2.
Nhưng khi thực hiện, dự án đã không sử dụng hết phần đất thu hồi của dân. Nên năm 2005, khi ông Tân nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được UBND quận Hải Châu cấp "sổ" với diện tích 53,5m2 (lớn hơn 30,1m2 so với hồ sơ khi bị thu hồi). Năm 2007, ông Tân tặng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho con gái là bà Hoàng Thị Hải.
Tháng 2.2020, khi bà Hoàng Thị Hải xin giấy phép sửa nhà, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đo đạc, xác định hiện trạng thực tế sử dụng đất chỉ có 48,5m2 (không phải 53,5m2 như giấy chứng nhận mà UBND quận Hải Châu đã cấp). Rắc rối bắt đầu từ đây.
Bà Hải không nhớ hết lần tới lui các cơ quan công quyền để điều chỉnh "sổ đỏ", xin phép sửa nhà. Nhưng, hơn 3 năm qua, hồ sơ được hướng dẫn, chuyển qua lại giữa các cơ quan chức năng như trái bóng trên sân cỏ mà chưa được giải quyết.
Việc đo đạc, cấp sổ là của cán bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên sai lệch diện tích trên "sổ đỏ" không phải từ gia đình ông Tân (nay là con ông - bà Hải).
Cái sai này có thể do các cán bộ tiền nhiệm, nhưng hiện Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án... và UBND quận Hải Châu, UBND TP Đà Nẵng không thể từ chối trách nhiệm. Vì vậy, những cán bộ công chức đương nhiệm phải giải quyết cho dân. Thậm chí phải ưu tiên, giải quyết nhanh, thuận lợi hơn... như là một cách sửa sai, xin lỗi dân, chứ không phải "ngâm" hơn 3 năm nay.
Đây là vụ việc cụ thể, "điển hình" của hiện tượng "đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp..." mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu tháng 5.2023, và đã nhiều lần được nhắc lại.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ, "đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này".
Vụ việc chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính cho gia đình bà Hoàng Thị Hải chỉ là một trong số cả chục trường hợp tương tự ở quận Hải Châu, Đà Nẵng được báo chí nêu lên. Và cũng là hiện tượng phổ biến ở nhiều địa phương cả nước.
Tình trạng sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đang xảy ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở các sở, ngành, quận huyện... khắp nơi cả nước, không chỉ "làm khó" cho dân, doanh nghiệp, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xây dựng và phát triển của địa phương, đất nước.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” này, không chỉ từ các hội nghị, các diễn đàn của các Đảng bộ, chính quyền các địa phương, bằng các nghị quyết, chủ trương... Không chỉ hô hào "tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức", mà phải bằng hành động cụ thể, giải quyết từng vụ việc dứt điểm cho dân, cho doanh nghiệp.