Nội dung trong ngoặc kép là từ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sau khi ông “kiểm nghiệm lại” vấn đề nguồn vốn, vấn đề tiền đâu cho các dự án đường bộ cao tốc.
Cụ thể: 3 dự án, với chiều dài tổng 359,4km và tổng mức đầu tư tổng cộng 84.463 tỉ đồng. Nhưng trong 5 nguồn vốn chỉ chắc, chỉ “rõ nhất” là nguồn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nhưng cái chắc lại quá bé, chỉ khoảng 9.620 tỉ đồng, chiếm trên dưới 10% tổng nguồn vốn nhu cầu. Những nguồn còn lại thì “chưa chắc chắn”, thì được quyết “cái mà không biết có hay không”.
Đúng là “đếm cua trong lỗ”!
Chúng ta đang đẩy mạnh đầu tư công với nhu cầu vốn cực lớn. Cũng vừa xong, Vành đai 4 Thủ đô được quyết với nhu cầu 23.000 tỉ đồng, giai đoạn 1 Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: 75.777 tỉ đồng. Chưa kể tới các công trình “nuốt vốn khủng”: Các dự án đường cao tốc Bắc Nam, siêu sân bay Long Thành.
Nhưng tại sao hầu hết đều là đầu tư công? Hay câu hỏi đúng phải là: Thế còn nguồn lực xã hội?! Trong bối cảnh ngân sách phải tính đếm từng đồng?!
Hôm qua, câu chuyện 7 dự án BOT giao thông dù đã hoàn thành nhưng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan lại được xới trở lại.
7 BOT này đều đã hoàn thành, song hoặc doanh nghiệp không được thu phí, hoặc bị giảm doanh thu nghiêm trọng do thay đổi chính sách.
BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chẳng hạn. Dù phải đầu tư 2.740 tỉ đồng, nhưng suốt từ 2017 đến nay, trạm BOT quốc lộ 3 chưa được thu phí và mỗi tháng nhà đầu tư đang phải trả 16 tỉ đồng tiền lãi. Doanh thu trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới đạt rất thấp do xe cộ vẫn đi lại trên quốc lộ 3 thay vì đi đường mới. Và Công ty BOT Thái Nguyên đang kiến nghị Nhà nước mua lại dự án với số tiền 3.000 tỉ đồng.
BOT cầu Thái Hà thậm chí còn lâm vào cảnh không thể hoàn vốn, càng kéo dài thời gian thu phí thì càng lỗ và không có nguồn tài chính để bù đắp.
Sự “sập tiệm” của các BOT do thay đổi chính sách... là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư sợ.
Còn nhớ trong một phiên họp Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc đã nói cực kỳ chính xác về việc 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh cả 12 dự án thành phần từ các dự án PPP sang đầu tư công là một sự “cực chẳng đã” khi tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm.
Nguồn vốn nhà nước là hữu hạn, đang phải “đếm cua trong lỗ” và nếu không thu hút, lôi kéo được vốn tư nhân thì rõ ràng không thể nói đó là một thành công cho được.