Cũng xin nói thêm, loại toa xe tự vận hành, chuyên chở khách, được sản xuất từ năm 1979-1982, công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, tốc độ vận hành tối đa 95km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản.
Lý giải cho kiến nghị của mình Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng: chi phí nhập các toa xe này và sửa chữa để phù hợp với khổ ray thấp hơn nhiều chi phí đóng mới hoặc mua toa xe cũ của nước khác.
Tiết kiệm cho ngân sách là tốt, nhất là trong bối cảnh ngành đường sắt còn đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19. Thế nhưng, tiết kiệm bằng cách nhập khẩu những toa xe đã sản xuất gần nửa thế kỷ dẫn đến nguy cơ tụt hậu về công nghệ, không đáp ứng nhu cầu phát triển để rồi nguy cơ trở thành những đống sắt vụn. Như vậy, tưởng là tiết kiệm lại hoá thành lãng phí.
Về luật, Nghị định 65/2018 quy định tại điều 18 niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe chở khách không quá 40 năm, đối với toa tàu đã qua nhập khẩu thì không quá 10 năm với chở khách và 15 năm với chở hàng.
Vậy tại sao vẫn định nhập khẩu toa tàu cũ đã sử dụng 40 năm?
Điều đáng nói nữa là việc nhập khẩu gần 40 toa tầu cũ này đi ngược so với chủ trương phát triển ngành đường sắt theo hướng xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với chiều dài 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, nối Hà Nội và TP HCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu theo Bộ GTVT là 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Còn Bộ KHĐT kiến nghị tốc độ 200km/h.
Rõ ràng, kiến nghị nhập khẩu tàu cũ, khổ ray hẹp, lại chỉ có tốc độ tối đa 95km/h là thừa và sai so với quy hoạch đường sắt Quốc gia.
Cũng không thể không nhắc lại, 5 năm trước, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã nhận được sự chấp thuận của Công ty mẹ là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc sử dụng trên đường ray khổ 1 mét. Trong số 160 toa xe này có tới 120 toa xe đã được đóng từ hơn 20 năm trước, những toa xe mới nhất cũng có tuổi đời 12 năm. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành đường sắt đã nhận kỷ luật.
Bài học cũ vẫn còn nóng hổi, và không chỉ có đường sắt, đã có quá nhiều cái giá phải trả khi Việt Nam nhập khẩu những công nghệ, dây chuyền, thiết bị lạc hậu để rồi những tưởng sẽ tiết kiệm nhưng sau đó lại trở thành những khoản lãng phí khổng lồ.
Hãy nhìn những công trình ngàn tỉ biến thành sắt vụn, biến thành những “đại án” để thận trọng và quyết định.
Và đường sắt Việt Nam, dù đang rất khó khăn thì phải tiến lên, chứ không thể chạy… lùi.