Báo Lao Động thông tin, bà Nguyễn T.T.N. (mẹ của N.T.V., 13 tuổi, học sinh lớp 7/2 Trường THCS Duy Tân, Huế) vừa có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc con bà bị một nhóm học sinh đánh hội đồng.
Theo nội dung đơn trình báo, một nhóm học sinh gồm: B.Tr. (lớp 7/3, Trường THCS Trần Phú); D. và H. (lớp 7/5, Trường THCS Hùng Vương); Trần P.U. (lớp 7/2, Trường THCS Duy Tân) đi xe đạp điện đến nhà bà N.
4 học sinh này đã hù dọa, ép buộc V. lên xe đến nhà thờ Phủ Cam (phường Phước Vĩnh) và tượng đài Quang Trung (phường An Tây) để đánh hội đồng và quay video.
Đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng bởi “bạo lực học đường” bây giờ không chỉ xảy ra ở trong và ngoài cổng trường nữa mà còn “tìm” đến tận nhà riêng của nạn nhân.
Và rất khó tin khi 4 học sinh trong vụ việc vừa xảy ra ở Huế mới chỉ là những đứa trẻ 13 tuổi nhưng lại hành động có tổ chức, to gan đến mức dám tới nhà để doạ dẫm, ép buộc rồi “lôi” một đứa trẻ 13 tuổi khác đi đánh hội đồng và quay lại video.
Hiện cơ quan Công an và Phòng GDĐT thành phố Huế đã vào cuộc xác minh nên chắc chắn vụ việc sẽ sớm có kết luận, những đứa trẻ sai phạm sẽ được chính quyền, nhà trường và gia đình xử lý nghiêm khắc nhất có thể để còn răn đe những đứa trẻ khác.
Học sinh đánh nhau hay bạo lực học đường ở Huế và các tỉnh miền Trung gần đây gia tăng báo động về số vụ cũng như tính chất nghiêm trọng với 2 học sinh tử vong hồi tháng 6. Đến mức Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị phải gấp rút “xây dựng quy chế để chấn chỉnh, giảm thiểu bạo lực học đường…”.
Hay Thừa Thiên Huế phải thành lập Ban Phòng, chống bạo lực học đường ở mỗi đơn vị, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban và thành viên là trưởng các đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh.
Tuy vậy thì xử lý nghiêm khắc nhất có thể để răn đe, xây dựng các quy chế chấn chỉnh hay thành lập ban nọ phòng kia để phòng chống bạo lực học đường cũng chỉ là giải quyết phần ngọn.
Phần gốc, như nhận định của TS Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế là môi trường giáo dục gia đình với yêu thương, quan tâm, thấu hiểu, động viên, chia sẻ… kịp thời sát với diễn biến tâm lý của từng lứa tuổi.
Ở các trường học là duy trì việc nói chuyện, tuyên truyền với học sinh thông qua các giờ chào cờ, buổi nói chuyện của các chuyên gia về tâm lý cũng như cái hại của việc sử dụng bạo lực với người khác...
Cuối cùng là sự thấu hiểu, đồng cảm và làm gương của từng thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong từng trường hợp xử lý cụ thể.
Làm gương, nhưng phải là gương sáng. Chứ như thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Thuỷ Bắc (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) đánh thầy Hiệu phó ngay trong trường đến mức nhập viện khiến dư luận cả nước xôn xao như mới đây thì lại là "gương tối", "gương tồi"...