Anh Lê Xuân Tiến - đoàn viên Công đoàn Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) - cùng với gần 3.400 đoàn viên Công đoàn khác, có mặt trên những “chuyến xe Công đoàn” do Liên đoàn Lao Động thành phố Đà Nẵng tổ chức để đưa đoàn viên, người lao động của mình về quê đón Tết, bắt đầu từ ngày 7.2.
Chào tạm biệt nhau trước giờ xuất phát, chúng tôi, theo thói quen gọi là “chuyến xe Công đoàn”. Nhưng anh Lê Xuân Tiến lại “đính chính”, bảo phải nói là “chuyến xe nhà” mới đúng, mới đủ nghĩa.
Anh Lê Xuân Tiến quê ở Quảng Bình, là người đã có thâm niên 7 năm đến hẹn lại về quê đón Tết trên những “chuyến xe Công đoàn” do Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Anh Tiến cứ “xe nhà” là bởi 7 năm làm hành khách trên những “chuyến xe Công đoàn” cho đoạn đường hơn 300km, lần nào cũng được các cấp Công đoàn của thành phố Đà Nẵng chăm lo chu đáo, không chỉ miễn phí vé xe mà còn có cả suất ăn cho đến việc sắp xếp hành lý.
“Bây giờ xe dịch vụ nhiều, an toàn, phục vụ tốt đúng nghĩa khách hàng là thượng đế. Nhưng các chuyến xe của Công đoàn ngoài dịch vụ tốt còn có cả tình cảm và hơi ấm của tình thân. Một tấm vé xe, một suất ăn có thể nói là nhỏ nếu quy ra tiền, nhưng lại vô cùng lớn về mặt tình cảm và cả sự an yên…”, anh Tiến nói.
Năm nay, ngoài “những chuyến xe nhà”, lần đầu tiên Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng còn tổ chức thêm “những chuyến tàu nhà” - tàu hỏa - để hơn 3.400 đoàn viên, người lao động của mình có thêm lựa chọn để về quê đón Tết ở khắp các địa phương miền Trung - Tây Nguyên.
Tất nhiên, những “chuyến xe Công đoàn” không phải là chuyện chỉ có riêng ở Đà Nẵng mà là chuyện chung của nhiều địa phương có khu công nghiệp trong cả nước từ 10 năm nay.
Và coi xe Công đoàn là xe nhà cũng là tình cảm, cảm nhận chung của hầu hết đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn có mặt trên những chuyến xe này ở khắp nơi trên cả nước.
Và dĩ nhiên, tình cảm, sự chăm lo của tổ chức Công đoàn các cấp dành cho đoàn viên, người lao động của mình trong mỗi dịp Tết cổ truyền như thế này ngoài “chuyến xe Công đoàn” còn có rất nhiều chương trình hay, thiết thực khác như “Tết sum vầy”, “Tết không xa nhà”, “chợ Tết Công đoàn”…
Còn nhớ đúng 10 năm trước, khi lần đầu tiên Báo Lao Động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức “Tết sum vầy” cho đoàn viên, người lao động ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).
Bà Tòng Thị Phóng, thời điểm ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, có mặt tham dự chương trình. Sau khi lên sân khấu trao quà cho công nhân, chứng kiến những tình cảm và sự chăm lo cho nhau từ hai phía, bà Tòng Thị Phóng đã khóc và nói với những thành viên tổ chức “Tết sum vầy” rằng: “Các em ạ, chúng ta còn nợ công nhân rất nhiều”.
Hôm qua, sau tròn 10 năm, khi chúng tôi nhắc lại chuyện này với các đoàn viên, người lao động ở thành phố Đà Nẵng trước giờ lên những “chuyến xe nhà”, nhiều người, không nén được xúc động khi thú nhận, đại ý: Thật ra, xét một cách công bằng thì chúng tôi cũng cảm thấy là mình mắc nợ ân tình tổ chức Công đoàn rất nhiều, không chỉ là dịp Tết!