Xét về khía cạnh pháp lý, vụ này cần được xử lý thật nghiêm, nếu không xã hội tồn tại một kiểu hành xử giang hồ trong quan hệ của bên vay nợ và bên gọi là công ty đòi nợ thuê đang rất phổ biến hiện nay.
Cty Hưng Thịnh nếu được cấp giấy phép hoạt động hợp pháp đương nhiên được pháp luật bảo vệ. Ba nhân viên được cấp giấy giới thiệu đi đòi nợ là hợp pháp với điều kiện họ có hồ sơ chứng minh là người lao động của doanh nghiệp.
Những người trong gia đình bị đòi nợ đánh đập 3 nhân viên này đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, vụ việc không chỉ nhìn theo hướng xử lý hành vi cố ý gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe người khác, mà là những vấn nạn xã hội nảy sinh từ loại hình doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê.
Từ trước đến nay, rất nhiều vụ đòi nợ qua Cty đòi nợ thuê. Đã là đòi nợ thuê, ngoài các bên cho nhau vay tiền, còn có nhiều trường hợp liên quan đến cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Đa số con nợ bị đe dọa, sợ hãi vì bị “nhân viên” đòi nợ thuê khủng bố nên phải trả tiền. Lần này thì ngược lại, chính con nợ tấn công người đòi nợ.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp đòi nợ thuê nào cũng đảm bảo hoạt động lành mạnh, phần lớn biến tướng thành một nhóm hành nghề dựa vào sức mạnh trấn áp núp dưới chiếc áo doanh nghiệp.
Một xã hội mà mọi quan hệ dân sự đã được luật hóa, nếu có xảy ra tranh chấp thì các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết. Vậy cho phép các công ty đòi nợ thuê hoạt động có cần thiết hay lại tạo thêm những hệ lụy như đã từng diễn ra?
Đã từng có đề xuất cấm kinh doanh đòi nợ thuê nhưng chưa thực hiện được. Muốn cấm đòi nợ thuê thì việc đòi nợ hợp pháp qua tòa án phải có hiệu quả. Tòa tuyên xong việc tòa, nợ vẫn không đòi được thì đương nhiên phải cậy đến giới đòi nợ thuê mà hậu quả thì lành ít dữ nhiều!