“Về số 0” là từ dùng của TS Vũ Thành Tự Anh, ĐH Fulbright khi ông nhấn mạnh đối tượng cần được ưu tiên trong các chính sách hỗ trợ mới.
“5 triệu hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực phi chính thức bị tác động bởi dịch - TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh - với ước tính khoảng 20 triệu người chịu tác động.
50% sạp hàng chợ Bến Thành phải đóng cửa, tiểu thương tính đến chuyện chạy xe ôm kiếm sống. Biển báo sang nhượng, đóng cửa cửa hàng khắp nơi trong khu phố cổ Hà Nội. Trong khi hàng rong, vỉa hè gần như vắng bóng... có lẽ là một biểu hiện bên ngoài của sự khó khăn mà khu vực phi chính thức và lao động tự do đang phải gánh chịu.
Một nghiên cứu của Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư cho biết, có tới hơn 50% lao động di cư ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là nhóm lao động phi chính thức ở cơ sở dịch vụ, du lịch, nhóm bán hàng rong. Trong đó, gần 40% người lao động tự do bị mất 100% thu nhập, 12% người lao động mất 75% thu nhập.
TS Đặng Hùng Võ dẫn khảo sát một số tổ chức xã hội cho biết: Tổng số lao động tự do hiện chiếm tới 18 triệu người. Đó là những người nghèo đô thị, nông dân không còn đất hoặc không đủ sống phải ra thành phố kiếm ăn bằng đủ nghề: Bán vé số, đánh giày, hàng rong, đồng nát, xe ôm, chợ lao động...
Họ, gần như “về số 0” trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên. Trong việc thụ hưởng gói 62.000 tỉ đồng, họ cũng được đánh giá là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, bị tác động sâu nhất nhưng cũng lại là khó chi trả nhất, do khó xác định tiêu chí công việc.
Nếu thực sự để “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, chính sách hỗ trợ không thể không ưu tiên cho nhóm nhạy cảm này, khi mà ảnh hưởng dịch bệnh đối với họ đồng nghĩa với miếng cơm, manh áo.
Nói như TS Vũ Thành Tự Anh: Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là câu chuyện an ninh và xã hội để tránh những hệ quả xấu.