Đó là câu chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật ở Đà Nẵng. Từ chiều 5.8, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chính thức phát tiền hỗ trợ cho người dân 5 phường của quận đang bị phong tỏa. 5 phường trên gồm Phước Mỹ, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang, với 399 tổ dân phố, 31.000 hộ, hơn 126.000 dân.
Theo đó, 100% người dân trong khu vực phong tỏa nhận được khoản hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày. Trước mắt, Thành phố Đà Nẵng dự kiến chi khoảng 100 tỉ đồng thực hiện khoản hỗ trợ này.
Rõ ràng đây là nỗ lực lớn của địa phương trong việc chăm lo cho người dân. 160.000 đồng cho một hộ gia đình 4 người là rất có ý nghĩa, bữa cơm đã có thể thêm thịt cá, hoặc đồ dùng thiết yếu.
Sự khác biệt ở gói hỗ trợ của Đà Nẵng với những gói hỗ trợ tài chính đã thực hiện trước đây chính là ở chỗ: không có những quy định đối tượng, không cần những thủ tục rườm rà, không cần phải quy trình xét duyệt với những bản danh sách đầy cân nhắc ai được ai không.
Đã là ở khu vực cách ly thì ai cũng sẽ có khó khăn như nhau. Khái niệm công bằng lúc này chính là trong một vùng bị ảnh hưởng thì bất kỳ ai, từ anh xe ôm, ông cán bộ về hưu, thậm chí em nhỏ đang tuổi đi học đều được nhận tiền.
Cách làm này có thể thực hiện trên toàn quốc được không? Bởi lẽ đâu đó đã có những ý kiến rằng các gói hỗ trợ 62.000 tỉ năm 2020, gói hỗ trợ 26.000 tỉ năm 2021 tại sao không chia đều cho người dân?
Câu trả lời là không khả thi.
Ở bình diện quốc gia, công bằng không phải là tất cả chia đều như nhau. Đối với hỗ trợ tài chính hay tiêm vaccine cũng vậy. Công bằng ở nghĩa rộng là làm rõ đối tượng, ai khó khăn, ai ở lực lượng tuyến đầu sẽ được ưu tiên trước để rồi tất cả cũng sẽ được quyền lợi.
Hơn nữa việc phủ diện rộng hiểu theo nghĩa chia đều các gói hỗ trợ thì ngân sách nhà nước không cho phép, nhất là trong bối cảnh phải “chiến đấu” với dịch COVID-19 lâu dài. Ngoài ra hình thức hỗ trợ không chỉ là tiền mà còn là các hình thức khác như chính sách ưu đãi hay miễn giảm tiền điện nước, ưu tiên thuế, ưu đãi ngân hàng cho doanh nghiệp để có đủ nội lực tiếp tục duy trì sản xuất.
Việc chia đều chỉ phù hợp với một quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế ở từng địa phương. Nhưng rõ ràng cách làm của Đà Nẵng là một cách làm hay, kịp thời và dám chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế trước mắt để lo cho dân.
Câu chuyện ở Sơn Trà có thể trở thành một mô hình để các quận, huyện hoặc tỉnh thành khác nghiên cứu học hỏi.
Điều quan trọng là dám chấp nhận và dám chịu trách nhiệm khi bỏ những thủ tục rườm rà, nhiêu khê để tiền được phát tận tay người dân khi cần kíp nhất.