“Ông cơ chế” khiến hàng không kẹt cứng. Kẹt theo đúng nghĩa đen từ quanh sân bay, từ trong sân bay, kẹt từ dưới đất, kẹt lên đến trời.
Kẹt, trong tình trạng “delay kinh hoàng”. Chậm chuyến 1h, nửa ngày, chậm từ sáng đến đêm.
Và hẳn nhiên, kẹt nhất là “ông cơ chế”.
TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia về hàng không gọi ACV là một doanh nghiệp kỳ lạ: Trên thế giới không có nhà phát triển sân bay nào lại không làm khu bay như ACV. Và thứ cơ chế cho phép họ “khai thác hạ tầng nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền” biến ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận với tỉ suất lợi nhuận rất khủng.
Sự “kỳ lạ”, thật ra bắt đầu ngay từ chuyện mang một doanh nghiệp nhà nước độc quyền khai thác hạ tầng sân bay ra cổ phần hóa. Và cổ phần hóa theo kiểu bao nhiêu phần “thịt” béo bở, có thể mang lại lợi nhuận, DN này ẵm cả.
Con số không nói dối: Kết quả kinh doanh hợp nhất quý III của ACV cho thấy doanh thu bán hàng kỳ này tăng 15% lên 4.591 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 13.517 tỉ đồng, tăng 13% cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của ACV tăng nhẹ lên 52,5%, doanh thu tài chính đạt 573 tỉ, lũy kế 9 tháng đạt gần 1.400 tỉ, tăng 18,8%.
Sự khác thường trong mô hình vận hành khiến ACV, dù đang nắm giữ 32.058 tỉ đồng, trong khi, cái đường băng của sân bay Nội Bài chẳng hạn, xuống cấp nghiêm trọng đến mức uy hiếp an toàn bay, nhưng lại không thể sửa chữa. Lý do: Đó là tài sản nhà nước. Nguyên do: Vướng cơ chế.
Từ tháng 3.2019, tại buổi tọa đàm “Biện pháp đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất” chính ông Lại Xuân Thanh cũng phải thừa nhận: “Sân bay phải được đầu tư, khai thác đồng bộ. Nếu chúng ta tiếp tục chờ đợi Nhà nước thì rất đáng lo. Ngay cả ngân sách để sửa hai đường băng ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang hư hỏng cũng chưa có” và “Chúng tôi có thể bỏ vốn đầu tư hạ tầng khu bay thay Nhà nước, song cần có cơ chế giao việc và thu hồi vốn”. Thế mà cái cơ chế ấy gần hết năm chưa thấy nhúc nhích.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chỉ đạo xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể và tổ chức có liên quan đến khoản tiền 3.600 tỉ đồng sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, cổ phần hóa... ở ACV.
Những vi phạm trong quá trình cổ phần hóa ACV cũng là một trong những lý do khiến một số nguyên lãnh đạo (cả cán bộ cao cấp) nhận án kỷ luật. Và cái “ông cơ chế” lùng nhùng hôm nay cũng từ đó mà ra.
Có lẽ, để giải quyết “ông cơ chế” này thì những án kỷ luật là chưa đủ khi những bất cập hôm nay không được khắc phục - mà vẫn chấp nhận như một sự đã rồi.
Không ngẫu nhiên mà chính Bộ GTVT từng đề xuất Thủ tướng để xin mua lại phần vốn đã bán cho cổ đông ngoài nhà nước - cho dù, cổ phần hóa - cũng có tác giả là Bộ GTVT.