Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc rèn luyện thể dục thể thao. Trên thực tế, trong các giải pháp để nâng cao năng suất lao động thì việc tăng cường thể chất cho công nhân, NLĐ chưa được đặt ngang hàng với những giải pháp khác như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh sáng kiến, ứng dụng khoa học công nghệ…
Bộ Y tế Việt Nam từng ban hành nhiều tài liệu cho rằng, thể chất (bao gồm cả thể lực và tinh thần) là yếu tố nền tảng. Một NLĐ không thể phát huy hết khả năng nếu cơ thể yếu ớt, tinh thần trì trệ.
Cách đây khoảng 5 năm, Bộ Y tế xây dựng hẳn một chương trình 10 phút tập thể dục giữa giờ giải lao để áp dụng cho NLĐ, đặc biệt là khối văn phòng. Theo bộ này, nhiều người do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như đau người, mỏi mắt...
Bên cạnh đó, việc hút thuốc, uống rượu bia nhiều làm gia tăng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư… Đặc biệt khuyến cáo: đến khi vào bệnh viện điều trị là giải quyết “sự đã rồi”, còn muốn phòng bệnh phải tích cực vận động rèn luyện cơ thể, dinh dưỡng hợp lý và loại bỏ các thói quen xấu thì cơ thể mới khỏe mạnh.
Năm ngoái, Công đoàn Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã có sáng kiến hay là xây dựng “Góc văn hóa công nhân”. Ngoài những nơi đọc sách, báo thì Góc văn hóa cũng dành vị trí và diện tích thích hợp cho hoạt động thể chất như bàn bóng bàn, bàn bi-da cho công nhân.
Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa Ngô Thế Anh khẳng định: “Tạo ra “sân chơi tinh thần”, giúp công nhân, NLĐ giảm căng thẳng sau những giờ làm việc, để NLĐ cùng nhau trò chuyện, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt tập thể theo từng nhóm và lưu giữ những kỷ niệm… không chỉ giúp tăng hiệu quả trong công việc mà còn giúp người công nhân gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn”.
Chăm lo, chăm sóc NLĐ của tổ chức Công đoàn, nhất là chăm lo tới hoạt động thể chất cần được đẩy mạnh hơn nữa, tạo phong trào mạnh mẽ hơn nữa với những hình thức, nội dung phong phú, đổi mới hơn nữa.
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, NLĐ và gia đình của họ. Từ đó thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên công đoàn, nhất là đội ngũ công nhân, NLĐ ngoài khu vực Nhà nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ đoàn viên, NLĐ với tổ chức Công đoàn”.
Tạo dựng và đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao chính là thực hiện tinh thần đổi mới Tổ chức Công đoàn theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.
Sẽ có những giải cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… cho NLĐ ở quy mô cơ sở cũng như toàn quốc trong thời gian tới. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mục tiêu phát triển tổ chức Công đoàn.