Xuân Bắc kể chuyện một người mẹ Tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng nhưng con trai bà, một người đàn ông đã đón hơn 50 cái Tết, giỏi chữ nghĩa, viết bài cho mấy "trang tin" và Facebook, "gói bánh (chưng) rất ngu" nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói.
Cuối cùng anh ta nhận cái tát của mẹ rồi nghe bố giáo huấn điều hay lẽ phải. Xuân Bắc kết thúc "truyện ngụ ngôn" bằng câu "Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3".
Ai cũng có thể hiểu Xuân Bắc ví người mẹ gói bánh chưng là ê kíp làm "Táo Quân", còn người con trai hỗn láo "ăn cháo đá bát" chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những người chê bai "Táo Quân".
Xuân Bắc đã cho mình cái quyền "ban phát" nghệ thuật cho công chúng. Công chúng chỉ biết hàm ơn, không được khen chê. Xuân Bắc quên rằng mình chỉ là nghệ sĩ, làm nghệ thuật, tác phẩm của mình có thể hay hoặc dở, và công chúng có quyền đánh giá, bình phẩm.
Chưa kể, với thái độ ứng xử lịch sự và có trách nhiệm của người làm nghệ thuật, Xuân Bắc nên tiếp thu mọi ý kiến, chọn lọc những phê bình, phản biện có chuyên môn, để làm ra những tác phẩm khác hay hơn, chất lượng nghệ thuật cao hơn.
Xuân Bắc và ê kíp Táo quân, cũng cần khiêm tốn nhìn nhận, phân tích nội dung, nghệ thuật của Táo quân những năm gần đây, có đúng là sa sút như nhiều ý kiến trong dư luận hay không.
Táo quân càng ngày càng nhạt, không như sự mong đợi của khán giả, không còn là món ăn nghệ thuật thú vị đêm giao thừa, đó là sự thực mà các nghệ sĩ cần phải đối diện.
Đằng này, Xuân Bắc đã không tiếp thu, không khiêm tốn lắng nghe, còn dám cả gan dạy dỗ công chúng "gói bánh chưng rất ngu", ý là không biết gì về nghệ thuật. Không thể nói gì khác hơn là Xuân Bắc quá coi thường công chúng.
Ngoài công việc đi diễn, Xuân Bắc còn là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Nhà hát Kịch Việt Nam là "bộ mặt văn hóa", có thể chấp nhận một vị giám đốc có thái độ ứng xử thiếu văn hóa như vậy với công chúng hay không? Xin được dành câu trả lời cho các nhà quản lý.