Bàn chân của con người là một cơ quan quan trọng của cơ thể. Ngoài khả năng di chuyển, tạo tư thế và thăng bằng, các dấu hiệu của bàn chân còn cho chúng ta biết tình trạng của sức khỏe. Nếu không được chú ý hoặc không được điều trị thì có thể gây hại cho cơ thể.
Dưới đây là một số thói quen để chúng ta có thể giữ cho đôi chân của mình luôn khỏe mạnh.
Làm sạch và lau khô
Bàn chân của chúng ta thường tiếp xúc với bụi bẩn suốt cả ngày. Lòng bàn chân là nơi tiếp xúc nhiều nhất với mặt đất. Vì vậy, chúng ta hãy thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn gây hại cho bàn chân.
Làm khô bàn chân cũng không kém phần quan trọng để loại bỏ những vùng ẩm ướt trên bàn chân và kẽ ngón chân vì đó có thể là nơi sinh sản của các loại nấm.
Sử dụng giày và tất
Đôi giày chúng ta mang góp phần rất lớn vào việc giữ thăng bằng và sức khỏe đôi chân. Trong khi chọn giày và tất, hãy đảm bảo rằng, chúng có chất liệu thoáng khí để tránh tích tụ hơi ẩm và bụi bẩn trong bàn chân. Giày và tất lý tưởng phải thoải mái trong các hoạt động.
Mặt khác, giày và tất có thể thấm mồ hôi và vi khuẩn hàng ngày. Cần tránh dùng chung giày và tất vì điều này có thể khiến chân của chúng ta có nguy cơ bị nhiễm trùng da. Để ngăn chặn một số tình huống xấu xảy ra, hãy mang theo khăn lau chân cá nhân ở những nơi công cộng như hồ bơi, sân chơi bowling và phòng tập thể dục.
Dưỡng ẩm tốt
Vùng da quanh chân dày hơn và dễ bị nứt nẻ, khô ráp. Các vết nứt thường gây đau đớn và có thể dẫn đến tình trạng vết nứt chảy máu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, chúng ta đừng quên dưỡng ẩm tốt cho đôi chân của mình mỗi ngày. Tuy nhiên, tránh thoa quá nhiều kem dưỡng da vào giữa các ngón chân vì độ ẩm quá cao có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm.
Chăm sóc hàng ngày
Để đảm bảo đôi chân luôn khỏe mạnh và sạch sẽ, chúng ta cần tạo thói quen chăm sóc chân hàng ngày. Thường xuyên chà rửa bàn chân để loại bỏ lớp tế bào chết, những vết chai. Đặc biệt, đối với phụ nữ nên hạn chế sơn móng chân vì các hóa chất có trong nước sơn có thể gây hại cho vùng da xung quanh móng.